Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Toàn cảnh giáo dục năm học 2021-2022: Bộ GDĐT thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm và hạn chế

Giáo dục năm học 2021-2022

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực  của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp đối với trẻ em mầm non. 

Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Sau hai năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải tổ chức Kỳ thi thành 2 đợt, năm nay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Kỳ thi chỉ diễn ra trong một đợt. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12. 

Toàn cảnh giáo dục năm học 2021-2022: Bộ GDĐT thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp ở Hà Nội năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của  dịch Covid-19 các năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 đã không đưa vào đề thi năm nay. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. 

Chất lượng Giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. 

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đồng thời, khẳng định chất lượng Giáo dục phổ thông, ngay cả trong 3 năm học chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hướng đi đúng của Bộ GDĐT trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi.  

Tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện  thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Chất lượng Giáo dục Đại học có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở Giáo dục Đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở Giáo dục Đại học gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.  

Thiếu giáo viên, tranh cãi sách giáo khoa

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: 

Các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng  dạy và học trực tuyến. 

Toàn cảnh giáo dục năm học 2021-2022: Bộ GDĐT thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế - Ảnh 2.

Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: Tào Nga

Bên cạnh đó, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, đường truyền internet có nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy, học. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng  đến sức khỏe, tâm lý của học sinh. Sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nề nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp  của các em gặp nhiều khó khăn.  

Tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở áo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì  được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên. Tỷ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…  

Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống  dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế.  

Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh. 

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu, tỉ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học phổ thông còn thấp so với bình quân chung cả nước và không  đồng đều giữa các dân tộc. 

Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý  trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập, một số chính sách phát triển giáo dục, chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số,  miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã lạc hậu, không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.  

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên còn chưa chủ động, kịp thời đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực  tuyến và sử dụng môi trường mạng còn chưa thực sự hiệu quả.  

"Bộ GDĐT đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.