Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Vụ Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu: Nông dân có quyền khởi kiện ra tòa để giải quyết

Vụ một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu vì bị san lấp ao, vườn: Nông dân có thể khởi kiện - Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình- Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (TP.HCM).

Luật sư Diệp Năng Bình- Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (TP.HCM) đã cho biết như trên khi trao đổi với PV Dân Việt về vụ việc "Một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu vì bị san lấp ao, vườn nhưng chưa được đền bù" mà Dân Việt đã có loạt bài phản ánh.

"Chưa thực hiện xong thủ tục bồi thường đã san lấp mặt bằng là sai"

Tháng 7/2023, ông Ngô Đức Thắng, một nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên có đơn kêu cứu gửi đến Báo NTNN/điện tử Dân Việt phản ánh việc, gia đình ông chưa được nhận bồi thường tài sản, hoa màu trên đất, nhưng chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân đã cho phương tiện vào san lấp ao cá, vườn cây khiến gia đình ông bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau khi đọc loạt bài này, ông nhận định như thế nào về việc làm này của chủ đầu tư?

Trước hết, nếu có căn cứ cho rằng, phần diện tích đất có ao cá, vườn cây mà người dân, cụ thể ở đây là ông Ngô Đức Thắng như Báo điện tử Dân Việt đã nêu đang quản lý, sử dụng là hợp pháp và chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các quy định để có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất này, chưa thực hiện gửi thông báo tới người dân đang quản lý, nhưng đã tự ý vào san lấp, gây thiệt hại cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật. 

Cụ thể, theo như hồ sơ mà tôi nghiên cứu, hành vi này của chủ đầu tư đã vi phạm vào quy định về "Thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" (theo Điều 75, 76, 77 Luật Đất đai 2013) hoặc là hành vi "Gây thiệt hại cho môi trường và nguồn nước" (theo Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường 2014).

Đối với phần tài sản có trên đất bao gồm cây cối, các loại thủy sản, đây có thể coi là "Hành vi xâm phạm tài sản của người khác vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân trên đất" (theo điều 4 Luật Đất đai 2013).

Tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm và kết luận của cơ quan có thẩm quyền, chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc thậm chí hình sự. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính xảy ra khi xác định chủ thể này (ở đây là chủ đầu tư cụm công nghiệp) có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3 -5 triệu đồng (căn cứ Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình). 

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, trục xuất đồng thời buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép do hành vi vi phạm.

Trường hợp có hành vi san lấp trái phép. Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2 -150 triệu đồng tuỳ vào diện tích san lấp (căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai);…Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Trường hợp có hành vi xâm phạm tới tài sản của người khác. Đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó đối tượng vi phạm có thể thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm.

Vụ một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu vì bị san lấp ao, vườn: Nông dân có thể khởi kiện - Ảnh 3.

Khu vực ao cá bị san lấp khiến gia đình ông Ngô Đức Thắng bị thiệt hại nặng.

Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về luật đất đai. Đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu về tội vi phạm các quy định về bồi thường,  hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo điều 230 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 .

Theo đó, người phạm tội có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Do đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình người đang sử dụng đất có thể lập biên bản ghi nhận việc xâm phạm san lấp ao cá, vườn cây trái phép của chủ đầu tư dự án, có chứng từ, bằng chứng minh bạch.

Yêu cầu chủ đầu tư dự án ngừng việc san lấp, khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông theo quy định. Nếu chủ đầu tư dự án không chấp nhận, có thể tố cáo đến các cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Vụ một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu vì bị san lấp ao, vườn: Nông dân có thể khởi kiện - Ảnh 4.

Hiện trạng khu ao, vườn nhà ông Ngô Đức Thắng bị san lấp mà chưa nhận được tiền đền bù.

Ngày 20/12/2019, ông Ngô Đức Thắng (thường trú ở xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên) được UBND xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) gia hạn hợp đồng giao thầu đất công điền với diện tích 35.801m² tại khu vực cánh đồng thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ để trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản ổn định từ năm 2016. 

Trong Điều 2 của hợp đồng có nêu: Thời hạn thực hiện hợp đồng: Bắt đầu từ ngày ký kết hợp đồng đến khi kết thúc theo Luật Đất đai quy định thời gian đối với diện tích chia theo tiêu chuẩn vòng 1 thực hiện Nghị quyết 03.

Xin luật sư cho biết, thời hạn nêu trong hợp đồng giao thầu đất công ích, công điền giữa ông Thắng và UBND xã Đặng Lễ có đúng theo quy định trong Luật Đất đai không? 

- Theo quy định tại Điều 132 của Luật Đất đai, hợp đồng giao thầu đất công ích là hợp đồng mà nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc liên quan đến việc sử dụng, quản lý, khai thác hoặc bảo vệ đất công ích.

Trong đó, đất công ích được hiểu là quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương( khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2013).

Đồng thời theo khoản 5 Điều 126 Luật đất đai 2013 thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 05 năm.

Vậy nếu đất công ích, công điền người dân thuê thoả mãn các điều kiện được giao đất, cho thuê đất theo quy định pháp luật thì thời hạn tối đa áp dụng cho hợp đồng giữa người dân và UBND xã là 05 năm.

Do đó, việc ký kết hợp đồng thuê mới vào năm 2019 là đúng theo quy định pháp luật và người dân có thể được thuê tối đa đến năm 2024.

Vì vậy trong trường hợp vừa nêu tính đến năm 2023 hiện nay, người dân có căn cứ sử dụng đất hợp pháp. Hành vi tự ý xâm chiếm, san lấp mặt bằng mà không tuân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không có thông báo tới người dân là hành vi vi phạm pháp luật. 

Vụ một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu vì bị san lấp ao, vườn: Nông dân có thể khởi kiện - Ảnh 5.

Một chiếc máy múc đi qua khu vực ao cá của gia đình ông Ngô Đức Thắng bị san lấp.

Khi ký hợp đồng giao thầu đất công ích với UBND xã Đặng Lễ, ông Ngô Đức Thắng có đăng ký tạm trú tại xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi từ năm 2015 đến nay thì có đủ điều kiện để ký hợp đồng giao thầu đất công ích với UBND xã Đặng Lễ không?

-Theo quy định của Luật Cư trú 2020, công dân có thể đăng ký tạm trú tại một địa điểm khác nơi thường trú trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này có nghĩa là công dân có thể sinh sống tại một địa phương khác nơi mình đã đăng ký thường trú.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai hiện nay, quỹ đất công ích chưa được sử dụng vào mục đích xây công trình công cộng hoặc bồi thường, xây nhà tình thương có thể được cho thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá.

Thời hạn sử dụng đất cho mỗi lần thuê không quá 05 (năm) năm. Đối tượng được thuê đất là hộ gia đình hoặc cá nhân tại địa phương.(Khoản 2 Điều 132 Luật Đất đai 2013).

Tuy nhiên, khái niệm cá nhân tại địa phương trong quy định này chưa rõ ràng. Có thể hiểu là cá nhân sinh ra lớn lên, sinh sống ổn định lâu dài tại địa phương hoặc là cá nhân chỉ cần sinh sống, hoạt động tại địa phương đó. Nếu hiểu theo cách thứ hai, cá nhân có tạm trú tại địa phương cũng được coi là cá nhân tại địa phương.

Hơn nữa người dân đã đăng ký tạm trú ở địa phương từ năm 2015 trước khi ký kết hợp đồng thuê đất lần đầu năm 2016. Quá trình tạm trú tại địa phương, người dân đã có nhiều đóng góp tích cực cũng như tham gia một số hoạt động sinh hoạt tại địa phương. (thông tin lấy từ link báo gửi kèm)

Thậm chí là trên thực tế người dân và xã đã có nhiều lần trao đổi ký kết. Cụ thể tại Điều 8 Hợp đồng năm 2019 có nêu"Hợp đồng này thay thế hợp đồng đã ký ngày 20 tháng 01 năm 2015, thay thế hợp đồng đã ký ngày 20 tháng 01 năm 2016 và thay thế hợp đồng đã ký ngày 15 tháng 01 năm 2017 giữa UBND xã với ông N.D.Thắng". Dựa vào đó, người dân có thể đã hiểu là được chính quyền địa phương đồng ý với việc mình sử dụng đất.

Do vậy, khi áp dụng quy định pháp luật, việc có đăng ký tạm trú và thời gian tạm trú từ 2015 đến nay có thể xem người dân là cá nhân và đủ điều kiện để ký hợp đồng giao thầu đất công ích với xã. 

Nông dân có quyền khởi kiện ra tòa

Trao đổi với PV Dân Việt, các cơ quan chuyên môn của huyện, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Toàn - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ân Thi cho rằng: Hợp đồng giao thầu đất công ích giữa ông Thắng (Ngô Đức Thắng) và UBND xã Đặng Lễ có sai sót. Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ có nói biết sai sót nhưng do là chỗ anh em nên vẫn ký. Khi hợp đồng giao thầu trên có sai sót, không đúng theo quy định của pháp luật thì quy trình xử lý như thế nào? đơn vị nào chịu trách nhiệm về sai sót, vi phạm trên?

- Theo quy định của Luật Đất đai 2013, hợp đồng giao thầu đất công ích là hợp đồng mà nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc liên quan đến việc sử dụng, quản lý, khai thác hoặc bảo vệ đất công ích.

Nếu hợp đồng giao thầu đất công ích có sai sót, không đúng theo quy định của pháp luật thì có thể xảy ra các trường hợp sau: Nếu sai sót, vi phạm do bên giao thầu gây ra, bên giao thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận thầu và chịu xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu sai sót, vi phạm do bên nhận thầu gây ra, bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu và chịu xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Nếu sai sót, vi phạm do cả hai bên gây ra, cả hai bên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhau và chịu xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm của từng bên.

Quy trình xử lý khi có sai sót, vi phạm trong hợp đồng giao thầu đất công ích như sau: Các bên trong hợp đồng phải thông báo cho nhau về sai sót kể từ khi biết hoặc phải biết về sai sót, vi phạm. Sau đó các bên trong hợp đồng có thể giải quyết sai sót, vi phạm bằng thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài từ khi thông báo cho nhau về sai sót, vi phạm.

Trường hợp không giải quyết được sai sót, vi phạm bằng các biện pháp trên, các bên trong hợp đồng có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Từ khi ký hợp đồng giao thầu đất công ích với UBND xã Đặng Lễ đến nay, ông Ngô Đức Thắng thực hiện đóng tiền thuê thầu đầy đủ hàng năm, thực hiện đúng theo các điều khoản, quy định trong hợp đồng. Khi nhà nước có quyết định thu hồi đất làm dự án lại phát hiện hợp đồng giao thầu có sai sót, không đúng theo quy định của pháp luật thì ông Thắng có được bồi thường không? 

- Trong trường hợp này, người nhận thầu có thể được bồi thường nếu đáp ứng được các điều kiện sau: Không biết hoặc không có lý do để biết rằng hợp đồng giao thầu có sai sót, không đúng theo quy định của pháp luật. 

Người nhận thầu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng giao thầu và không vi phạm pháp luật. 

Việc thu hồi đất làm dự án là do quyết định của nhà nước, không phải do lỗi của người nhận thầu. Việc thu hồi đất làm dự án gây thiệt hại cho người nhận thầu về tài sản hoặc quyền lợi hợp pháp của mình.

Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, người nhận thầu có thể sẽ không được bồi thường hoặc chỉ được bồi thường một phần, tùy theo mức độ trách nhiệm của mình và của bên giao thầu.

Tuy nhiên để sự việc được sáng tỏ và xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong trường hợp này, bên nhận thầu nên cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cho luật sư có chuyên môn hoặc cơ quan có thẩm quyền để nhận được sự hướng dẫn chính xác, kịp thời.

Xin cảm ơn luật sư!