Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Tia sét khổng lồ đánh thẳng lên rìa vũ trụ

MỹTia sét phía trên bang Oklahoma, Mỹ, là một trong những tia sét hiếm và mạnh nhất trên Trái Đất, ghi nhận năm 2018.

Sét khổng lồ phóng từ đỉnh đám mây phía trên bang Oklahoma vào thẳng không gian. Ảnh: Chris Holmes

Sét khổng lồ phóng từ đỉnh đám mây phía trên bang Oklahoma vào thẳng không gian. Ảnh: Chris Holmes

Trong nghiên cứu công bố hôm 3/8 trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu phân tích một tia sét khổng lồ phóng từ đám mây phía trên bang Oklahoma năm 2018. Thay vì giáng xuống mặt đất hay chạy giữa các đám mây, tia sét khổng lồ phóng thẳng lên phía trên đám mây, vươn cao 80 km, tới gần rìa vũ trụ. Những tia sét kiểu này gọi là gigantic jet phát ra năng lượng mạnh gấp 50 lần sét thông thường.

Thông qua phân tích phát xạ sóng vô tuyến của tia sét bằng dữ liệu vệ tinh và radar, họ nhân thấy tia sét phát ra 300 coulomb (đơn vị đo điện tích) từ phía trên đám mây tới tầng điện ly, tầng hạt mang điện tích ngăn cách phía trên khí quyển Trái Đất với chân không vũ trụ. Mức năng lượng này lớn gấp 60 lần so với một tia sét thông thường (5 coulomb).

Một nhà khoa học dân sự ở Hawley, Texas ghi hình tia sét vào ngày 14/5/2018. Các nhà khoa học phân tích thước phim nhận thấy tia sét xuất hiện rất gần trung tâm của LMA, mạng lưới ăngten vô tuyến trên mặt đất dùng để lập bản đồ vị trí và số lần sét đánh. Tia sét cũng nằm trong phạm vi của một số hệ thống radar và vệ tinh thời tiết.

Kết hợp với những nguồn trên, nhóm nghiên cứu xác định kích thước, hình dáng và mức năng lượng của sét gigantic jet ở mức độ chi tiết chưa từng thấy. Họ phát hiện phát xạ sóng vô tuyến tần số cao nhất của tia sét đến từ những cấu trúc nhỏ gọi là streamer, phát triển ở chóp tia sét, tạo ra kết nối điện trực tiếp giữa đỉnh mây và tầng điện ly, theo trưởng nhóm nghiên cứu Levi Boggs ở Viện nghiên cứu công nghệ Georgia. Dữ liệu cũng cho thấy streamer tương đối lạnh với nhiệt độ khoảng 204 độ C.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao một số tia sét đánh ngược từ dưới lên. Nhiều khả năng có gì đó ngăn tia sét thoát ra từ bên dưới đám mây. Sét gigantic jet thường được quan sát trong những cơn bão không tạo ra nhiều tia sét từ đám mây đến mặt đất.

An Khang (Theo Live Science)