Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Shipper bị bom hàng chủ quán đến nhà khách "xử lý", netizen vỗ tay

Những năm gần đây, hình thức mua hàng online đã trở nên quen thuộc và tiện lợi được nhiều người dân lựa chọn. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, bạn đã có thể mua được món đồ mình mong muốn mà không cần đi đâu xa, bởi đã có đội ngũ shipper giao đến tận nơi. Tuy nhiên, bên cạnh những “mảng sáng” tiện lợi, vấn đề bom hàng đã trở thành một nỗi “ám ảnh” khiến không ít người giao hàng phải rơi vào cảnh khổ sở vì mất trắng một ngày lương. Mới đây, câu chuyện một chị chủ quán chè đến tận phòng trọ của khách để đòi “công bằng” cho shipper đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dân mạng. Cụ thể, bạn nữ khách hàng này đã đặt mua một cốc chè 35 nghìn đồng và yêu cầu được giao đồ đến tận nhà. Tuy nhiên, khi shipper đến nơi, bạn nữ này đã ngay lập tức từ chối nhận hàng và “đuổi” người giao hàng mang chè về với lý do không có đá. Nếu như vì chè dở hoặc không ngon, chị chủ quán chè hoàn toàn có thể chấp nhận bị “bom hàng”. Nhưng vì lý do của bạn nữ quá vô trách nhiệm, lại thương shipper nắng nôi vượt vài cây số giao hàng công cốc, chị chủ quán chè bức xúc đã ngay lập tức đến gặp bạn nữ. Chị chủ hàng cho biết, 35 nghìn không phải là to, bạn nữ nên rút kinh nghiệm để sau này còn ra xã hội, chứ không phải thích gì thì làm. Sau khi đoạn video được đăng tải, bên dưới phần bình luận, nhiều độc giả đã gật gù đồng tình trước cách xử lý của chị chủ quán. Không ít người cho rằng, đây chính là một bài học mà bạn nữ mua hàng sẽ nhớ mãi. Tình trạng boom hàng đã không phải là mới, thậm chí còn xảy ra như cơm bữa khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm. Trước đó, không may mắn như anh shipper trong câu chuyện khi được chủ quán đòi lại “công bằng”, nhiều shipper bị bùng đơn trong cay đắng mà không hiểu lý do vì sao. Câu chuyện về việc shipper bị "bùng hàng" đã trở thành nỗi khổ của cả shipper và chủ quán. Những lúc thế này, người ta chỉ biết lắc đầu thở dài về ý thức của một bộ phận khách hàng xem công việc của người khác như “trò đùa”.