Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối)

"Giá trị nguồn lực văn hóa Thủ đô nằm ở phẩm chất con người Hà Nội"

Mặc dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng PGS.TS Hà Đình Đức, Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2012 lại yêu mến và gắn bó với mảnh đất này bằng một tình yêu nồng nàn suốt 60 năm qua. Ở tuổi 83, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn còn khỏe mạnh, hàng ngày vẫn dày công nghiên cứu về văn hoá Hà Nội. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 1.

Một góc lãng mạn ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Trọng Hiếu

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ, từ cuối thập niên 80 (1986) với công cuộc đổi mới, chấm dứt thời kỳ bao cấp, mở ra kinh tế thị trường. Hà Nội chuyển mình, kinh tế Hà Nội phát triển dân số Hà Nội tăng nhanh từ vài chục nghìn người đã tăng lên vài triệu người. Trong số những người đến Hà Nội làm ăn, sinh sống với đủ mọi thành phần xã hội từ trí thức, các nhà khoa học đến công nhân, thợ thủ công và những người lao động tự do. 

"Trong số đó, có người đã trở thành nhà quản lý lãnh đạo thành phố, nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, trường đại học, viên chức cơ quan, công nhân trong các nhà máy. Nhiều người lao động đã đem sức lực của mình tham gia trong các công trình xây dựng công cộng cũng như của tư nhân khắp thành phố. Họ đã đóng góp một cách đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 2.

PGS.TS Hà Đình Đức hàng ngày vẫn dày công nghiên cứu về văn hoá Hà Nội. Ảnh: Cao Oanh

Tuy nhiên, họ cũng đem đến cũng không ít những lối sống tự do thoải mái của nhiều vùng quê, nơi họ đã từng sinh sống. Thời kỳ này người ta kiếm tiền dễ hơn và cách tiêu tiền cũng khác hơn. Có thể nói đây là giai đoạn trật tự xã hội của Hà Nội bị xáo trộn nhiều nhất trong quá trình phát triển của lịch sử thủ đô", PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.

Ông cho rằng, người Hà Nội và văn hóa Hà Nội trong vài thập niên qua đã bị ảnh hưởng bởi sự tác động bên ngoài không chỉ của những người nhập cư từ các địa phương khác, mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn của sự du nhập các phương tiện kỹ thuật và văn hóa từ nước ngoài trong thời kỳ mở cửa. 

"Đã có một thời người ta thường nghe nói: ra đường người ngay sợ kẻ gian, ở nhà bố mẹ sợ con cái, ở trường thầy sợ trò... nhiều nhóm thanh niên mỗi câu nói đều văng ra những lời tục tĩu, va chạm nhỏ đã xông vào đánh đấm nhau… Những hiện tượng đó đã làm tổn thương đến vốn thanh lịch của người Hà Nội", PGS.TS Hà Đình Đức bày tỏ. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 3.

PGS.TS Hà Đình Đức trao đổi với PV Dân Việt. Ảnh: Cao Oanh

Từ những trải nghiệm xưa cũ, theo PGS.TS Hà Đình Đức, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cần tiến hành xây dựng một mẫu "người Hà Nội", "gia đình Hà Nội" trong giai đoạn hiện nay. Phải kết hợp giáo dục của nhà trường với giáo dục cộng đồng và giáo dục trong gia đình. Trong đó giáo dục trong gia đình hết sức quan trọng bởi vì tất cả thành viên trong xã hội đều nằm trong gia đình. 

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 4.

PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho các cháu, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch Hà Nội ngay trong chính từng ngôi nhà là điều nên làm. Ảnh: Thiên Mã

Nếu mọi gia đình có nề nếp, có văn hóa thì sẽ có xã hội văn hóa, bởi vì chúng ta thường nói:"Gia đình là tế bào của xã hội". Các tế bào có lành mạnh thì mới có một xã hội cường tráng. Vì thế, muốn xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch thì việc mỗi một gia đình trở thành một "lớp học" giảng dạy về văn minh, thanh lịch, nếp ăn, nếp ở của người Thủ đô có thể coi là giải pháp hữu hiệu và tốn ít tiền bạc nhất. 

"Cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho các cháu, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch ngay trong chính từng ngôi nhà là điều nên làm", PGS. TS Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 5.

Hình ảnh trẻ nhỏ ngồi bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Gia Khiêm

Không chỉ dừng lại ở việc giáo dục văn minh, thanh lịch trong từng ngôi nhà, theo ông, các nhà trường tại thành phố cũng cần đẩy mạnh việc giáo dục văn minh, thanh lịch cho học sinh Thủ đô. 

Dẫn chứng về việc, hiện nay, trong 63 tỉnh, thành phố cả nước thì chỉ duy nhất tại các trường học Hà Nội đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội", được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, bộ tài liệu đã và đang góp phần giáo dục các em học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành người thanh lịch, văn minh. Vì thế, việc giảng dạy bộ tài liệu hữu ích này cần được triển khai bài bản, hiệu quả hơn nữa.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 6.

Một góc hướng lên cầu Nhật Tân, Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu

"Là trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc, nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội ngày càng phong phú và giàu có. Trên hết, giá trị nguồn lực văn hóa Thủ đô nằm ở phẩm chất con người Hà Nội. Đây là nguồn lực to lớn và quý giá nhất cho phát triển Thủ đô. Ngay từ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 là phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô", PGS.TS Hà Đình Đức phân tích.

Làm sao để Hà Nội vừa phát huy được "chất" văn minh, thanh lịch vừa hội nhập phát triển?

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, để bảo vệ và phát huy nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vững bền của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, trước hết cần đặt văn hóa và con người vào trung tâm của các chiến lược, chính sách phát triển; cần xây dựng trụ cột phát triển của Hà Nội dựa trên năng suất và sáng tạo.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 7.

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, để bảo vệ và phát huy nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vững bền của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, trước hết cần đặt văn hóa và con người vào trung tâm của các chiến lược, chính sách phát triển... Ảnh: Lê Hiếu

"Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Gìn giữ những nét đẹp truyền thống và trau dồi những phẩm chất người Hà Nội thích ứng với thời đại mới, đó là xây dựng người Hà Nội nhân ái, trọng nghĩa, trọng tình, ứng xử tao nhã, phong cách hào hoa, năng động, sáng tạo. 

Chăm lo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy trong mỗi người dân Hà Nội tinh thần tự hào, tình yêu và trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh. Duy trì và nhân rộng kết quả đạt được thời gian qua trong thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố là giải pháp cụ thể, thiết thực để giữ gìn và lan tỏa nguồn lực văn hóa Thủ đô", PGS.TS Hà Đình Đức nói thêm.

Những người lưu giữ văn hoá, nếp sống đặc biệt Hà Nội: Phát huy "chất" văn minh, thanh lịch, hội nhập phát triển (bài cuối) - Ảnh 8.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho rằng, Hà Nội cần làm lúc này đó là theo kịp thời đại của mình, lòng mong muốn của nhân dân theo đúng tinh thần của đổi mới. Ảnh: Phạm Hưng

Là người gắn bó với Hà Nội từ khi sinh ra tới nay, Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho rằng, Thủ đô là nơi khơi gợi cho ông nhiều cảm xúc.

"Hà Nội là nơi chúng ta tự hào vì nghìn năm văn hiến từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê… chúng ta thấy rằng danh xưng Hà Nội cũng như truyền thống Hà Nội đang kế thừa điều đó. Bên cạnh văn hiến truyền thống xa xưa ấy quan trọng nhất là truyền thống của đô thị hiện đại mà người Pháp bắt đầu xác lập năm 1888 trên cơ sở xây dựng hạ tầng, kết cấu xã hội, đời sống tiếp nhận văn hoá phương Tây bên cạnh duy trì văn hoá phương đông. Đương nhiên thời kỳ thuộc địa, chủ nghĩa thực dân có những tác động tiêu cực nhưng cũng để lại khá nhiều di sản như kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, giáo dục…", ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Theo ông Dương Trung Quốc, Hà Nội cần làm lúc này đó là theo kịp thời đại của mình, lòng mong muốn của nhân dân theo đúng tinh thần của đổi mới. Nét văn hoá truyền thống cần giữ gìn và điều quan trọng phải tìm ra động lực phát triển văn hoá đó. 

"Cần gìn giữ giá trị từng vùng từ cảnh quan cho đến quan hệ xã hội, cấu trúc địa phương nhưng tất nhiên phải hiện đại hoá, tiện nghi hoá để chất lượng sống của người dân ngày càng tốt hơn. Đừng biến nông thôn thành khu đô thị nham nhở hoặc ngược lại", ông Quốc chia sẻ thêm.