Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Giám đốc Bạch Mai: 'Nhiều loại thuốc không có nhà cung cấp'

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết viện thiếu thuốc kháng sinh thiết yếu, tiêm tĩnh mạch, cấp cứu thần kinh... do không có nhà cung cấp.

* Tiếp tục cập nhật

"Chúng tôi dự đoán dịch được kiểm soát thì bệnh nhân sẽ tăng lên, chúng tôi đã đấu thầu, nhưng bệnh viện thiếu một số thuốc vì không có nhà cung ứng. Thậm chí một số kháng sinh Việt Nam sản xuất nhưng do giá nguyên liệu nhập vào đắt nên cũng không có hàng", Phó giáo sư, tiến sĩ Đào Xuân Cơ nói tại tọa đàm về Giải pháp khắc phục thiếu thuốc, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, sáng 12/8.

Ông nhìn nhận thiếu thuốc "là vấn đề rất nóng, không riêng Bạch Mai". Sáu tháng đầu năm, số lượng bệnh nhân tại viện tăng đột biến, ví dụ như tháng 3 số lượng bệnh nhân tăng gấp 5 lần so với tháng 1. Bệnh nhân nội trú đang ở công suất 150%, nhiều khoa lên tới 200%. "Bệnh viện đã có dự trù nhưng số lượng bệnh nhân tăng vọt khiến tình trạng thiếu thuốc thêm nặng nề", ông nói.

Khó khăn hiện nay khi giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại Bạch Mai, thấy rõ nhất là chuỗi cung ứng thuốc bị đứt gãy sau hai năm Covid bùng phát vừa qua, theo ông Cơ. Rất nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm đã trúng thầu rồi nhưng các đơn vị phân phối không cung cấp được. Nguyên nhân là sau hai năm dịch bệnh, rất nhiều công ty cung ứng đã bị phá sản, không cung ứng được. Hoặc, giá của các mặt hàng này tăng hơn nhiều so với lúc chào thầu cách đây 12 tháng, nhà cung cấp vì vậy không tham gia chào thầu do sợ lỗ.

"Ngoài ra, hiện doanh nghiệp tự công khai giá trên cổng thông tin Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm pháp lý, tuy nhiên chính chúng tôi là giám đốc các bệnh viện cũng không biết giá đó là thật hay thổi giá", ông Cơ bức xúc và đề nghị cần phải có một cơ chế liên ngành chịu trách nhiệm giá công bố trên cổng thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) đúc kết 3 nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc hiện nay. Thứ nhất là đang xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Thứ hai, khi dịch ổn định, người dân khám chữa bệnh tăng đột biến, cũng tác động đến nguồn cung thuốc. Thứ ba, hơn hai năm đại dịch, ngành y tế tập trung tổng lực chống dịch, nên việc cung ứng các thuốc chữa bệnh bị hạn chế.

"Về khách quan, chủ yếu do cơ chế chưa rõ ràng, minh bạch khiến các đơn vị e dè", ông Quang nói. Một phần là các vụ án, bắt bớ diễn ra trong thời gian qua khiến nhiều người e ngại. Trong khi đó, năng lực tham gia công tác đấu thấu từ cơ sở đến trung ương hạn chế, thiếu những cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không tham gia thầu do giá thầu thấp, không đảm bảo doanh thu cho họ.

Gỡ thiếu thuốc như thế nào

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng tình trạng thiếu thuốc là vấn đề lớn không chỉ của ngành y mà cả Chính phủ, cần xem như trận đánh để nhanh chóng vào cuộc giải quyết ngay.

"Tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng rà soát cơ chế chính sách liên quan đấu thầu mua sắm thuốc nếu có vướng mắc thì sửa ngay, các bệnh viện dũng cảm vào cuộc để gỡ ngay", bà An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nói tại tọa đàm về Giải pháp khắc phục thiếu thuốc, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, sáng 12/8.

Bà An nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng lớn đến người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo, là nhóm yếu thế trong xã hội. Do đó nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến chính trị dân sinh chứ không chỉ là ngành y.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp. Một số cơ sở khác thiếu sinh phẩm xét nghiệm, thuốc bảo hiểm thông thường, khiến người mua BHYT phải mua ở nhà thuốc bên ngoài.

TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... Báo cáo của các tỉnh thành khác gửi về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp... khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Ngoài ra, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc; một số địa phương giao các cơ sở chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại... cũng tạo tình trạng thiếu thuốc.

Trong khi đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh hôm 13/6, đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thuốc là do luật pháp y tế không rõ ràng.

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với 62 thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị trên 100 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế. Trong tháng 7, Hội đồng Đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công 19/62 thuốc biệt dược gốc, với giá trị giảm giá là 1.223 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá trung bình đạt 22,8%. Trong tháng 8 này, Hội đồng tiếp tục đàm phán đối với các thuốc biệt dược gốc còn lại để sớm có thuốc đặc trị cho người bệnh.

Lê Nga