Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Cô gái tử vong sau điều trị sốt tại nhà

Đồng NaiCô gái 25 tuổi, mắc sốt xuất huyết nhưng không biết, tự mua thuốc uống ở nhà, khi nhập viện thì bệnh đã quá nặng, không qua khỏi.

Ngày 8/8, Sở Y tế Đồng Nai thông tin về trường hợp thứ 15 tử vong do sốt xuất huyết. Theo đó, nữ bệnh nhân 25 tuổi ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom phát sốt ngày 2/8. Do tưởng sốt, cảm cúm bình thường nên cô tự ra tiệm thuốc tư nhân mua thuốc uống. Ba ngày sau, triệu chứng sốt giảm nhưng người bệnh bị đau lưng, mệt nhiều, khó thở, tím tái nên người nhà đưa đến viện cấp cứu.

Khi nhập Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, sốt xuất huyết ngày thứ 4, choáng nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân đã có mạch, tim phổi trở lại nhưng huyết áp vẫn không đo được. Đến chiều tối cùng ngày, tình trạng người bệnh xấu hơn và tử vong.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết thường diễn tiến qua ba giai đoạn, trung bình 7 ngày, trong đó giai đoạn hết sốt (ngày 3-6) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Ở giai đoạn này, triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... thì đây là triệu chứng của vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.

Để tránh bệnh biến chứng nặng, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt, người dân không nên tự mua thuốc, tự điều trị. Trường hợp sốt từ 2-3 ngày trở lên nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và phải đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán.

Đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C (điều trị ngoại trú), dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Ngoài ra, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết).

Khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, người bệnh phải tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ mỗi 12 giờ hoặc hằng ngày. Lưu ý, khi bệnh nhân hết sốt càng phải theo dõi dấu hiệu bệnh sát sao hơn. Người nhà cần nắm những dấu hiệu cảnh báo của bệnh, gồm hết sốt vẫn lừ đừ, mệt mỏi, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, chảy máu răng, rong kinh ở phụ nữ, đi tiêu phân đen... để đưa người bệnh nhập viện ngay.

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa, do đó, bác sĩ lưu ý người dân chủ động phòng chống dịch, bằng cách diệt muỗi vằn và loăng quăng - đường lây truyền bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần tránh bị muỗi đốt, như ngủ trong mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem đuổi muỗi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 16.400 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. Trong đó, có những trường hợp là người trẻ tuổi, sức khỏe tốt và không có bệnh nền.

Phước Tuấn