Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Chàm môi do dị ứng kem đánh răng

Duy Anh (8 tuổi, Đồng Nai) dị ứng kem đánh răng, khiến môi khô, nứt nẻ, chảy dịch.

Gia đình đưa bé Đào Anh Duy đến bệnh viện khám vì môi bị khô, đóng vảy, chảy mủ ở mép môi. Qua thăm khám, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP HCM, chia sẻ bệnh nhi bị chàm môi, kê thuốc điều trị kèm hướng dẫn.

Vài ngày sau đến tái khám, chị Nguyễn Như Anh (mẹ của bé) chia sẻ bé uống thuốc thấy tình trạng môi khô đỏ, đóng vảy giảm bớt. Tuy nhiên, khi Anh Duy ngưng thuốc 2 - 3 ngày thì bệnh tái phát. Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ Bích nhận định kem đánh răng là nguyên nhân khiến tình trạng chàm môi của bệnh nhi tái diễn. Do đó, bên cạnh uống thuốc điều trị đều đặn, người bệnh phải thay đổi loại kem đánh răng đang dùng.

Lần này, nghe theo lời khuyên của bác sĩ, chị Như Anh đổi kem đánh răng cho con. Lần tái khám tiếp theo, tình trạng chàm môi, chảy mủ của con hết hẳn.

Tương tự, bệnh nhi Trần Minh Kha (10 tuổi, TP HCM) cũng bị lở môi, đóng vảy. Sau thời gian uống thuốc, bôi kem mua tiệm thuốc tây gần nhà nhưng nhưng không khỏi, gia đình đưa bé đến BVĐK Tâm Anh TP HCM khám. Bác sĩ Bích chẩn đoán người bệnh dị ứng kem đánh răng, cần uống thuốc trị chàm, đổi kem đánh răng đang dùng. Sau 3 ngày thực hiện theo lời dặn của bác sĩ, tình trạng lở môi không còn diễn tiến, môi mềm mại trở lại và không còn khô lở, đóng vảy.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ, thời gian qua nhiều người bệnh đến khám do môi nứt nẻ, khô môi, đau rát kéo dài do dị ứng kem đánh răng. Điều này gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt. Nhiều người nghĩ môi khô do thời tiết nên tự chữa bằng son dưỡng môi nhưng tình trạng nứt, đau không cải thiện.

Trẻ bị chàm môi do dị ứng kem đánh răng. Ảnh: Shutterstock

Trẻ bị chàm môi do dị ứng kem đánh răng. Ảnh: Shutterstock

Chuyên gia thông tin, nhiều người chủ quan trong lựa chọn sản phẩm kem đánh răng. Phần đông lại không nghĩ sản phẩm là nguyên nhân dị ứng. Vì vậy, để tình trạng tái lại nhiều lần, diễn biến nặng.

Biểu hiện đầu tiên của tình trạng dị ứng kem đánh răng là môi khô, căng cứng sau khi đánh răng. Nếu tiếp tục sử dụng, môi có thể nứt nẻ, thậm chí sưng đau, chảy mủ. Thậm chí, người bệnh lở loét khoang miệng, viêm chân răng, nổi mề đay, phồng rộp vùng da quanh miệng. Phản ứng nghiêm trọng hơn với người có cơ địa dị ứng. Biểu hiện xảy ra nhanh hay chậm cũng tùy vào cơ thể mỗi người.

Thực tế, nhiều trường hợp phản ứng sốc phản vệ, thậm chí có thể đối diện nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Những biểu hiện cảnh báo bao gồm ngứa ngáy, phát ban, sưng đỏ, nổi mề đay phù mạch; ho, khó thở, đau thắt,tức ngực; nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi; choáng váng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngất xỉu và mất ý thức.

Nguyên nhân gây dị ứng kem đánh răng có thể bắt nguồn từ tình trạng dị ứng với một trong những thành phần có trong sản phẩm như hương liệu, chất tạo bọt, thành phần làm trắng, chất mài mòn, chất tẩy rửa, chất kết dính, chất giữ ẩm, chất tạo màu, khử trùng hay muối florua.

Bác sĩ Ngọc Bích cho biết thêm, thống kê cho thấy, đa số trường hợp phản ứng dị ứng với chất tạo mùi (hương liệu). Sau hương liệu, chất làm trắng răng cũng gây ra biểu hiện ê buốt răng, nướu; chàm môi. Kế đến là chất tạo bọt, propylene glycol (một chất hòa tan trong nước), tinh dầu, chất phụ gia sinh học, parabens, vitamin E (tocopherol) cũng có khả năng gây dị ứng.

Do đó, bác sĩ Bích khuyên, người có cơ địa dị ứng nên sử dụng sản phẩm được khuyến cáo dùng cho nhóm người có da nhạy cảm. Nếu người bệnh dị ứng với mùi bạc hà hoặc quế, thì có thể thay thế bằng sản phẩm kem đánh răng hương nho, dâu, cam, xoài, mơ hoặc dầu cây trà, keo ong; lựa chọn sản phẩm không có chất tẩy trắng. Ngoài ra, khi đi du lịch, công tác... bạn cũng nên mang theo kem đánh răng đang dùng để tránh tình trạng dị ứng có thể xảy ra.

Với trẻ nhỏ, gia đình không nên cho bé dưới 6 tuổi dùng kem đánh răng người lớn. Với nhóm trẻ bị viêm da cơ địa, cha mẹ tham khảo bác sĩ da liễu cách lựa chọn, dùng sản phẩm riêng.

Đặc biệt, khi nhận thấy biểu hiện dị ứng kem đánh răng, người bệnh cần ngưng ngay việc sử dụng, đồng thời súc, rửa miệng nhiều lần để rửa trôi hết lượng kem ra ngoài. Nếu xuất hiện tình trạng ngứa, bạn dùng nước ấm rửa quanh miện bạn bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị khô. Nếu xuất hiện mụn nước, chảy dịch, mủ bạn đến các cơ sở y tế để thực hiện điều trị chuyên khoa.

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Hoàng Trang