Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Ba Lan nói Đức, Pháp điều hành EU như 'đầu sỏ chính trị'

Thủ tướng Ba Lan cáo buộc Pháp, Đức điều hành EU như "đầu sỏ chính trị", phớt lờ những tiếng nói như Ba Lan từ lâu cảnh báo về Nga.

"Nhiều lãnh đạo châu Âu đã để bản thân bị Tổng thống Nga Vladimir Putin cám dỗ. Giờ họ đang bị sốc", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trong bài đăng trên nhật báo Le Monde của Pháp hôm 16/8. "Sự trở lại của chủ nghĩa đế quốc Nga không có gì đáng ngạc nhiên với chúng tôi".

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Ba Lan là một trong những nước đi đầu trong việc lên án Moskva, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất có thể và cung cấp lượng lớn vũ khí cho Kiev.

"Châu Âu thấy mình ở trong hoàn cảnh hiện tại không phải vì không hội nhập đầy đủ, mà vì họ từ chối lắng nghe sự thật, tiếng nói vốn có thể được nghe thấy từ Ba Lan trong nhiều năm", ông cho hay.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki gặp gỡ người dân và nhà báo ngày 15/8. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki gặp gỡ người dân và nhà báo ngày 15/8. Ảnh: AFP.

Theo ông Morawiecki, EU đã không chú ý đến những cảnh báo của Warsaw về Nga, điều này chỉ ra "vấn đề lớn hơn" trong khối.

"Trên lý thuyết, tất cả quốc gia thành viên đều bình đẳng. Nhưng thực tế chính trị cho thấy sức nặng của tiếng nói Đức và Pháp đang chiếm ưu thế. Chúng ta đang có một nền dân chủ nhưng thực tế là đầu sỏ chính trị, nơi quyền lực do những người mạnh nhất nắm giữ", lãnh đạo này nhấn mạnh.

Thủ tướng Ba Lan trước đó chỉ trích các thành viên EU vì đồng ý nhập khẩu lượng lớn khí đốt Nga và hiện phải vật lộn để tích trữ năng lượng cho mùa đông tới. Ông đặc biệt ám chỉ Đức vì phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng Nga.

"Họ thiển cận khi không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra với sự phụ thuộc này. Và Putin đã lợi dụng điều này như một chiêu trò tống tiền đối với phần còn lại của EU", ông Morawiecki nói với kênh Euronews hồi tháng 5.

Trong khi đó, Ba Lan cũng đang bất đồng với EU về ngân sách phục hồi hậu Covid-19, vốn bị EU chặn do lo ngại cơ chế kỷ luật gây tranh cãi gần đây đối với các thẩm phán ở Ba Lan làm suy yếu tính độc lập tư pháp.

Hồi tháng 5, Ba Lan thông báo kết thúc đàm phán với Brussels về các khoản tiền bị chặn, cho biết họ dự kiến nhận được khoảng 35 tỷ euro (35,7 tỷ USD) "trong vòng vài tháng".

Huyền Lê (Theo AFP)