Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Vụ 8 người ngộ độc rượu: "Xử phạt rượu không rõ nguồn gốc không có tính răn đe"

Vụ 8 người ngộ độc rượu: "Xử phạt rượu không rõ nguồn gốc không có tính răn đe" - Ảnh 1.

Nhà hàng Mr Bao đã bị đóng cửa, dừng hoạt động sau vụ 8 người ngộ độc rượu. Ảnh: P.V

Nói đến vụ 8 người ngộ độc rượu ở TP.Thủ Đức dẫn đến 2 trường hợp tử vong, bà Phong Lan cho biết, công an đang thụ lý điều tra nhưng về mặt vi pham an toàn thực phẩm thì chỉ có thể xử phạt hành vi sản phẩm không xuất xứ, nguồn gốc.

"Với hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu cũng là một loại thực phẩm, luật có quy định xử phạt với mức gấp 1-2 lần tổng giá trị của sản phẩm. Nhưng rượu không có nguồn gốc xuất xứ rất rẻ, chỉ vài ngàn, vài chục ngàn một xị nên xử phạt này không có tính răn đe", bà Lan bức xúc.

Sau khi xảy ra vụ việc tại nhà hàng Mr Bao, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ngay lập tức lập đoàn thanh tra, ký quyết định xử phạt 26.635.000 đồng với 2 hành vi: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà vẫn kinh doanh dịch vụ ăn uống; một số mặt hàng nguyên liệu hải sản tại quán không có xuất xứ giấy tờ, buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm và ngừng hoạt động.

Nhắc thêm đến vụ 5 thanh niên cấp cứu vì pha nhầm cồn rửa tay vào chai rượu, bà Lan nhấn mạnh: "Đây là hành vi hết sức nguy hiểm. Chúng tôi xin cảnh báo đến người dân: Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong các gia đình, công sở còn trữ một số lượng cồn rửa tay, cồn y tế. Những cồn này không thể sử dụng như rượu để uống được, dù bản chất nó cũng là ethanol nhưng chứa lượng tạp chất rất lớn và rất nguy hiểm".

Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc, ngộ độc methanol, bà Lan kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho người dân. "Sáng thứ 7 các báo rầm rộ đưa tin tức 8 người ngộ độc rượu, trong đó 2 người tử vong vậy mà tối thứ 7 vẫn có người pha cồn vào rượu uống thì không thể chấp nhận được. Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc", bà Lan nói.

Nhà hàng Mr Bao tại phường Phước Long B, TP.Thủ Đức, thuộc công ty TNHH Mr Bao Cuisine, kinh doanh buffet gồm các món nướng và lẩu hải sản, thịt bò. Làm việc với cơ quan chức năng sau khi xảy ra vụ 8 người ngộ độc rượu, đại diện nhà hàng cho biết nơi này chỉ bán rượu Soju Hàn Quốc và một số loại bia, nước ngọt đóng chai của các hãng sản xuất.

Khuya 3/8, sau khi quán đóng cửa, 6 nhân viên và hai người bạn đã tổ chức ăn uống, thức ăn mua từ quán khác về. Họ cùng uống hết bình chất lỏng 5 lít lấy từ kho bảo quản thực phẩm của nhà hàng. Bình chất lỏng này có từ ba tháng trước, do một nhân viên của quán (hiện đã nghỉ việc) ra tiệm tạp hóa gọi 5 bình nước suối và được giao một bình nghi ngờ là rượu. Quản lý nhà hàng đã dán chữ "rượu" lên bình này và cất vào kho.

Vụ 8 người ngộ độc rượu: "Xử phạt rượu không rõ nguồn gốc không có tính răn đe" - Ảnh 3.

Một trong số các trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì ngộ độc rượu. Ảnh: BVCC

Trong số 6 người nhập viện, một nữ sinh 20 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ghi nhận tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não, tình trạng nặng, nguy hiểm tính mạng. 5 người còn lại đang dần hồi phục, có thể sắp xuất viện.

Ngay sau đó, tiếp tục có nhóm 5 thanh niên vào viện cấp cứu và điều trị hồi sức tích cực, sau khi cùng uống rượu pha pha methanol tại nhà. Xét nghiệm độc chất ghi nhận nồng độ methanol trong máu của các bệnh nhân cao gấp nhiều lần so với mức có thể gây ngộ độc.

Trước thực trạng này, từ ngày 15/8 đến cuối năm, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn. Đoàn kiểm tra sẽ lấy một số mẫu để gửi kiểm nghiệm; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm không đảm bảo an toàn.