Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

TP.HCM khan hiếm nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư

TP.HCM là nơi tập trung phần lớn người lao động nhập cư, hơn 90% nhu cầu nhà ở là thuộc phân khúc vừa túi tiền, nhà ở xã hội, bình dân… Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, phân khúc này dường như vắng bóng khỏi thị trường.

Theo đó, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2016-2021, các chỉ tiêu về nhà ở đều đạt như diện tích nhà ở bình quân đầu người; diện tích nhà ở tăng thêm; nhà thương mại, nhà riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình.

Riêng chỉ tiêu về nhà ở xã hội là không đạt, chỉ mới thực hiện được hơn 69%. Riêng năm 2021 không phát triển thêm được diện tích nhà ở xã hội. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,67 ha, hơn 1 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ.

TP.HCM khan hiếm nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội vắng bóng tại thị trường TP.HCM. Ảnh: H.T

Trong đó, 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô 366 căn, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 13.870 căn, 1 dự án vừa sử dụng ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 718 căn. "Trong giai đoạn này vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 4%, vốn doanh nghiệp chiếm 96%"- ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin.

Cũng trong giai đoạn trên, thành phố đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết TP.HCM giai đoạn 2016-2020 xây dựng được 15.000 căn nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở và nhà lưu trú cho công nhân. 

Chia sẻ về những vướng mắc khiến nguồn cung khan hiếm, ông Châu cho rằng có khá nhiều nguyên nhân như: doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được vay ưu đãi với lãi suất 4,8%; dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; quy trình, thủ tục đầu tư rắc rối, nhiêu khê hơn nhà ở thương mại; đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội phải là người thường trú tại TP.HCM...

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhà ở xã hội

Trong bối cảnh TP.HCM khan hiếm nhà ở xã hội, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đã đón nhận một chuyển biến rất lớn khi một số tập đoàn bất động sản tên tuổi bất ngờ tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.

Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo đó, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030. Riêng tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cam kết thực hiện hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030.

TP.HCM khan hiếm nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư - Ảnh 3.

Một số tập đoàn bất động sản tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: H.T

Ông Phạm Thiếu Hoa - đại diện Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, tập đoàn mong muốn ngày càng có nhiều những căn nhà đẹp, có những tiện ích cơ bản cho người thu nhập thấp. Ông cho biết, Tập đoàn Vingroup sẽ phấn đấu đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới.

Khi khi đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đồng thời là chủ Tập đoàn Him Lam cũng cho biết, doanh nghiệp của ông sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Theo ông chủ doanh nghiệp này, hiện Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Mặt khác, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để đạt được mục tiêu vẫn cần có sự tháo gỡ vướng mắc từ phía cơ quan chức năng để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội. Ông Lê Hoàng Châu cho biết, một trong những "rào cản" chính là thủ tục còn nhiều bấp cập, đặc biệt thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.

TP.HCM khan hiếm nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư - Ảnh 4.

Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân còn nhiều rắc rối. Ảnh: H.T

Để gỡ khó cho doanh nghiệp khi tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị tại điều 54 Luật Nhà ở 2014 chỉ quy định UBND cấp tỉnh quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, mà chưa bao gồm nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua.

HoREA thống nhất với việc bãi bỏ quy định cho phép chủ dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha được lựa chọn giữa hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất đó....

Đáng chú ý, HoREA đề nghị sửa đổi điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP theo hướng quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn xây dựng nhà ở xã hội trên 20% quỹ đất trong dự án hoặc được hoán đổi bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc bảo đảm giá trị tương đương.

Song song đó, cần sớm chỉ đạo đẩy nhanh gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trước hết, hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân - lao động. Sau đó, bổ sung đối tượng chủ nhà trọ cũng được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân - lao động thuê.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét sửa đổi Thông tư 20/2021/TT-NHNN cho phép các Ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi vì với quy định hiện nay, cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội với điều kiện phải gửi tiết kiệm tại đây trong 12 tháng.