Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Tiêm vaccine cúm tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim

Vaccine cúm có hiệu quả phòng ngừa cơn nhồi máu cơ tim khoảng 15-45% và tránh nguy cơ làm trầm trọng các bệnh lý tim mạch khác.

Chị Trần Thu Oanh, 32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội mang thai 20 tuần tuổi vào cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh, Hà Nội sau khi sốt cao 39 độ C, ho có đờm vàng đặc, dính, có cảm giác tức ngực sau ho. Bệnh nhân được phát hiện viêm phổi nặng do mắc cúm A, kèm theo bệnh tim thông liên thất và hở nhẹ van 2 lá. Trước đó chị Oanh chưa tiêm vaccine cúm. Các bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng virus và kháng sinh cho thai phụ.

BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhận định đây là một trong những trường hợp nguy cơ cao dẫn đến biến chứng nặng do mắc cúm, gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi; nguy cơ viêm phổi bội nhiễm và ảnh hưởng đến tim mạch.

Theo BS Chính, tại Mỹ, những mùa cúm gần đây có khoảng 50% người lớn phải nhập viện điều trị cúm là người có bệnh tim. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người bị bệnh tim và đột quỵ nên tiêm vaccine cúm hàng năm để tránh nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

BVĐK Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm A nặng, phải nhập viện điều trị. Ảnh: A.T

BVĐK Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm A nặng, phải nhập viện điều trị. Ảnh: A.T

Virus cúm tác động đến tim mạch

Các nghiên cứu đã phát hiện bệnh cúm có liên quan đến các cơn đau tim và đột quỵ. Cụ thể, theo nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, những người mắc cúm có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp 6 lần trong vòng một tuần, biểu hiện rõ nhất ở người cao tuổi và những người từng một lần bị nhồi máu cơ tim. Năm 2020 khi nghiên cứu hơn 80.000 người lớn ở Mỹ nhập viện vì bệnh cúm, các chuyên gia cũng phát hiện cứ 8 bệnh nhân thì có một người bị suy tim, đau tim, tương đương 12%.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long - Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh cúm hoạt động theo nhiều cơ chế, trong đó có việc giải phóng các cytokine gây ra trạng thái tiền huyết khối; phá vỡ cục bộ các mảng mạch vành, cùng các tác động sinh lý như thiếu oxy, làm nhịp tim nhanh, gây tắc nghẽn cấp tính động mạch vành, gây cơn nhồi máu cơ tim cấp. Các cơ chế khác gồm hoạt hóa giao cảm, hình thành huyết khối thông qua các tác dụng chống đông máu và đông máu không đặc hiệu của chứng viêm; rối loạn chức năng biểu mô; lưu lượng máu động mạch vành không đầy đủ do tăng nhu cầu chuyển hóa kèm theo sốt và nhịp tim nhanh; giảm độ bão hòa oxy và hạ huyết áp kèm theo co mạch thứ phát.

Theo BS Long, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng của virus cúm lên hệ tim mạch. Virus cúm tấn công vào cơ tim và màng tim, gây ra các vết sẹo ở tim, có thể dẫn đến rối loạn nhịp hoặc suy tim. Trong một số trường hợp khác, virus cúm gây ra viêm cơ tim cấp, tử vong nhanh chóng. Thậm chí, viêm phổi do cúm cũng gián tiếp ảnh hưởng đến tim khi gây ra tình trạng khó thở, làm bệnh nhân suy tim, rối loạn nhịp thở. Những người bị bệnh tim có nguy cơ tử vong do cúm, cụ thể gồm những người bị suy tim, bệnh tim tăng huyết áp, bệnh tim phổi, rối loạn van tim, rối loạn nhịp bao gồm rung nhĩ, dị tật tim bẩm sinh.

"Nếu một người vừa có bệnh tim mạch vừa có bệnh hô hấp và cùng bị nhiễm cúm thì khả năng tử vong cao gấp 20 lần so với người bình thường. Nếu chỉ bệnh hô hấp và mắc cúm, tử vong tăng gấp 12 lần. Nếu bị bệnh tim mạch và nhiễm cúm, nguy cơ tử vong tăng gấp 5 lần. Cúm không phải là một bệnh nhẹ như cảm lạnh; thực chất đây là căn bệnh có thể gây chết người, nên người dân cần tiêm ngừa cúm sớm và đầy đủ", BS Long nhấn mạnh.

Vaccine cúm bảo vệ người bệnh tim

Theo BS Bạch Thị Chính, nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy vaccine cúm có thể phòng ngừa nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, làm giảm 10% các biến cố tim mạch ở những bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp tính trong thời gian theo dõi 12 tháng.

Nghiên cứu năm 2016, đăng trên tạp chí Y khoa của Anh cho thấy tiêm ngừa cúm có thể làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp từ 15% đến 45%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả này tương tự như các biện pháp phòng ngừa bệnh tim khác vốn đã trở nên rất quen thuộc như ngừng hút thuốc (hiệu quả 32-43%), dùng thuốc statins hạ mỡ máu (19-30%); liệu pháp hạ huyết áp (17-25%).

Tiêm vaccine cúm ngừa các chủng cúm A và B nguy hiểm, đồng thời có thể phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ảnh: Minh Ngọc

Tiêm vaccine cúm ngừa các chủng cúm A và B nguy hiểm, đồng thời có thể phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ảnh: Minh Ngọc

Các nhà nghiên cứu lý giải, vaccine cúm bảo vệ khỏi nguy cơ nhồi máu cơ tim trước hết thông qua ngăn ngừa virus cúm. Đồng thời, kháng thể do vaccine cúm tạo ra phản ứng chéo với thụ thể bradykinin ở người. Tương tác này có thể dẫn tới tăng nồng độ nitric oxide, làm tăng hiệu quả sử dụng oxy của cơ tim cũng như dẫn đến tăng lưu lượng máu thông qua giãn mạch.

"Năm 2008, bệnh tim trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với khoảng 13% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Vaccine cúm được khuyến cáo là một phần trong quản lý và phòng ngừa các bệnh tim trên toàn cầu, bên cạnh ngưng hút thuốc lá, giảm cholesterol, kiểm soát huyết áp", BS Chính cho hay.

Hiện nay Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá thế hệ mới như Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), phòng ngừa 4 chủng virus cúm nguy hiểm đang lưu hành là 2 chủng cúm A (H1N1 và H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria) cho cả trẻ em và người lớn, người có bệnh nền mạn tính bao gồm tim mạch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo ưu tiên tiêm ngừa cúm với người có bệnh lý nền mạn tính nguy hiểm như tim mạch. Do miễn dịch tạo ra bởi vaccine cúm sẽ giảm dần theo thời gian và virus cúm mùa biến đổi liên tục nên cần tiêm ngừa cúm hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ tốt nhất cho cơ thể. Điều này đặc biệt quan trọng với những bệnh nhân tim mạch.

Ngoài ra bệnh nhân tim mạch cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm khác như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người sốt hoặc đang mắc bệnh cúm; dùng thuốc tim mạch đầy đủ; tập luyện điều độ và tránh căng thẳng, đảm bảo chế độ ăn đủ chất, BS Chính lưu ý.

Hiếu Nguyễn