Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Tăng học phí đại học năm 2022: Một số trường đang lạm thu các khoản kinh phí

Hàng loạt trường tăng học phí năm 2022

Từ khóa tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có lộ trình dự kiến tăng học phí như sau: Mức thu cho năm học 2022-2023 tương đương 42 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025-2026 là 48 triệu đồng. 

Như vậy, so với năm 2021 có mức học phí là 35 triệu đồng/năm, năm 2022, học phí của trường đã tăng thêm 24%.

Trường Đại học Luật TP.HCM mới đây cũng đã công bố mức học phí áp dụng cho khóa 47, tuyển sinh năm 2022 cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025-2026. Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022-2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh hệ đại trà sẽ nộp học phí 151 triệu đồng cho 4 năm học. 

Tăng học phí đại học năm 2022: Một số trường đang lạm thu các khoản kinh phí - Ảnh 1.

Nhiều trường học tăng học phí. Ảnh: Phạm Hưng

Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179-204,7 triệu đồng cho cả khóa học. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất, lên đến 765,9 triệu đồng cho cả khóa.

Năm 2021, Trường Đại học Dược Hà Nội áp dụng học phí là 1,43 triệu đồng/tháng đối với sinh viên hệ đại học chính quy. Đến năm học 2022-2023, nhà trường đã tăng học phí cụ thể như sau: Đối với hệ đại trà, ngành Dược học áp dụng mức thu học phí 24,5 triệu đồng/năm. Ngành Hóa dược thu 18,5 triệu đồng/năm. Ngành Công nghệ sinh học và ngành Hóa học áp dụng mức thu 13,5 triệu đồng/năm. Ở hệ chất lượng cao, mức học phí được Trường Đại học Dược Hà Nội công bố là 45 triệu đồng/năm.

Vì sao các trường phải tăng học phí?

Lý giải về việc tăng học phí và sự cần thiết tự chủ đại học hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho hay: "Cần đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, Nhà nước cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập về mức thu, trước hết là thu học phí, lệ phí. 

Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí. Tuy nhiên, kèm theo cơ chế này cần có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học".

Ths. Lý Hoàng Oanh, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng: "Với mức thu học phí thấp không đủ bù vào chi phí hoạt động đã và đang là bài toán khó cho các trường đại học công lập. Mức trợ cấp của nhà nước cho mỗi người học là như nhau và thực tế đã xuất hiện hai tình huống:

Thứ nhất, nếu các trường công lập có quy mô nhỏ thì sẽ không muốn chuyển sang cơ chế tự thu, chi mà vẫn muốn dựa vào phần cấp bù của ngân sách và do đó sẽ tạo thói quen thụ động, ỷ lại, trông chờ vào ngân sách mà không chủ động đa dạng nguồn thu của đơn vị mình và do đó chưa thể thực hiện tốt quyền tự chủ tài chính và quản lý tài chính.

Thứ hai, đối với các trường có quy mô lớn hơn, khi không có đủ kinh phí để trang trải cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu thì trường sẽ có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu. Các trường sẽ thực hiện tăng quy mô, mở rộng loại hình đào tạo… và điều đó làm gia tăng tỷ lệ sinh viên/giảng viên ngày càng cao và do đó chất lượng đào tạo sẽ bị suy giảm.

Với những hạn chế nhất định xuất phát từ nội tại của cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập thì rất cần thiết phải xây dựng hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa cơ chế tự chủ tài chính cũng như hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo xu hướng sẽ trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học công lập ở Việt Nam".

Tránh lạm thu các khoản kinh phí

Tăng học phí, tự chủ đại học để đảm bảo chất lượng giáo dục, tuy nhiên, theo PGS.TS. Huỳnh Văn ChươngChủ tịch Hội đồng Đại học Huế, tự chủ tài chính nhưng một số cơ sở giáo dục đại học lạm dụng việc được giao quá nhiều quyền trong khi nội lực, năng lực thật sự không tương xứng, thiếu sự kiểm tra và kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chất lượng đào tạo có thể không đảm bảo, lạm thu các khoản kinh phí. Trách nhiệm giải trình với người học và xã hội chưa được chú trọng và đẩy đủ, điển hình như tập trung quá mạnh vào việc mở nhiều ngành học mới, ngành nóng, ngành dễ thu hút người học, áp lực mở ngành để tăng chỉ tiêu và cố tuyển đủ chỉ tiêu để đảm bảo nguồn thu từ học phí. 

Nhiều cơ sở giáo dục đại học sẽ bằng mọi cách để đáp ứng tiêu chí mở ngành dẫn đến nguồn nhân lực về đội ngũ rất khó đảm bảo, không bền vững, mang tính đối phó, cấp thời. Để đảm bảo nguồn thu các cơ sở giáo dục đại học đã tăng nhanh các hình thức tuyển sinh mới, dễ dàng hơn với một chỉ tiêu ưu tiên cao nhưng chưa được kiểm chứng, đánh giá đầy đủ về chất lượng đối sánh giữa các phương thức tuyển sinh đã có như dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, dựa vào các kỳ thi sát hạch có tính cạnh tranh cao, thậm chí hạ chuẩn đầu vào, cắt giảm chi phí đào tạo dẫn tới việc ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đối với người học và rất khó đảm bảo đạt chuẩn đầu ra như tuyên bố. Và điều này dẫn đến tác dụng ngược đến xã hội về nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học.