Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Tăng cân do bệnh tuyến giáp

Không chỉ trải qua cảm giác mệt mỏi, lo lắng, khó ngủ… quá trình trao đổi chất trì trệ còn gây ra tình trạng tăng cân ở người bệnh tuyến giáp.

Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ, hình bướm nằm ở phía trước cổ, có nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Các hormone này được tiết ra để đi vào máu và sau đó được đưa đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giữ cho não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường. Bệnh tuyến giáp bao gồm cường giáp, suy giáp, viêm giáp và bướu giáp.

Mối liên hệ giữa bệnh tuyến giáp và cân nặng

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm (khoa Nội tiết - Đái tháo đường), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, dưới tác động của tuyến giáp đến hệ tiêu hóa, tình trạng giảm cân hoặc tăng cân diễn ra bất thường. Vì thế, có một nghịch lý, ở bệnh nhân cường giáp, các hormone sản sinh liên tục gây cảm giác thèm ăn, nhưng ăn nhiều mà trọng lượng vẫn giảm. Ngược lại, với người suy giáp, dù chán ăn nhưng cân nặng vẫn tăng.

"Suy giáp càng nặng thì tình trạng tăng cân càng diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên, sự suy giảm trao đổi chất do suy giáp diễn ra ít kịch tính và cân nặng cũng không thay đổi quá nhiều so với nhóm người bệnh cường giáp sau khi điều trị bệnh", bác sĩ Trâm nói thêm.

Tình trạng này xảy ra do tác động của hai hormone tuyến giáp hoạt động mạnh nhất là thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Hai hormone này lưu thông trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự trao đổi chất thông qua sự tương tác với tế bào mỡ, cơ bắp, gan, tuyến tụy, vùng dưới đồi (tuyến yên). Hormone tuyến giáp cũng có chức năng phân hủy chất béo, hỗ trợ gan và tuyến tụy chuyển hóa calo dự trữ thành năng lượng cho cơ thể.

Tất cả những chức năng này có thể bị gián đoạn nếu giảm hormone tuyến giáp hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp. Những biểu hiện bao gồm mức năng lượng thấp, cơ thể lưu giữ calo dưới dạng chất béo do khó đốt cháy và chuyển hóa. Từ đó, những người mắc bệnh tuyến giáp dễ tăng cân.

Tăng cân xảy ra do tuyến giáp tác động đến hệ tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Tăng cân xảy ra do tuyến giáp tác động đến hệ tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock

Nguyên nhân gây tăng cân

Suy giáp và cường giáp là hai nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến cân nặng của người bệnh tuyến giáp.

Tăng cân do suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone. Đây là rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, có thể làm chậm các quá trình trong cơ thể. Tăng cân là một trong những triệu chứng phổ biến của suy giáp.

Theo bác sĩ Trâm, hormone tuyến giáp là một trong những loại hormone và protein phức tạp giúp điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Suy giáp khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại, thay đổi sự cân bằng giữa lượng calo ăn vào và tiêu thụ, từ đó việc kiểm soát cân nặng khó khăn hơn. Bệnh nhân suy giáp cũng có thể dễ gặp tình trạng giữ nước và muối, gây tăng cân, thường không quá 2-5 kg. Tình trạng suy giáp đơn thuần không gây béo phì nặng.

Tăng cân do cường giáp

Tăng cân do cường giáp không phổ biến nhưng có thể xảy ra sau khi người bệnh bắt đầu điều trị cường giáp và tăng trở lại số cân đã mất trước đó do mắc bệnh này.

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Tình trạng dư thừa này có thể do một số nguyên nhân, bao gồm cả viêm tuyến giáp hoặc bệnh cường giáp. Hormone tuyến giáp dư thừa khiến cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn trong khi nghỉ ngơi, khiến cân nặng sụt giảm. Đây cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh cường giáp. Tuy nhiên, khi người bệnh được điều trị hiệu quả bằng thuốc, khả năng đốt cháy năng lượng trở lại thế cân bằng, trọng lượng cơ thể hồi phục, thậm chí có thể tăng cân. Tình trạng này càng nặng nề hơn ở người bệnh trước đó đã có thói quen ăn nhiều calo hơn mức tiêu hao.

"Trong hầu hết các trường hợp, tăng cân khi mắc bệnh cường giáp không có gì đáng lo ngại, nhất là trước đó người bệnh đã giảm nhiều cân do tình trạng ban đầu không được điều trị", bác sĩ Trâm nói.

Tăng cân đơn thuần thường không phải là dấu hiệu của vấn đề về tuyến giáp. Tuy nhiên, khi tăng cân đi kèm với các triệu chứng suy giáp (mệt mỏi, nhạy cảm, phiền muộn, da khô, táo bón) hoặc triệu chứng của cường giáp (lo lắng, tăng tiết mồ hôi và khó ngủ) thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để tìm ra hướng chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cách hạn chế tình trạng tăng cân

Không riêng hormone tuyến giáp, sự trao đổi chất còn chịu tác động của nhiều yếu tố như hormone khác trong cơ thể, lượng thức ăn, hoạt động thể chất... Điều này có nghĩa là tình trạng tăng cân ở người bệnh tuyến giáp không phải hoàn toàn do nồng độ hormone tuyến giáp gây ra.

Người bệnh tuyến giáp (cường giáp và suy giáp) sau khi điều trị ổn bệnh cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, sử dụng thực phẩm lành mạnh, tập luyện thường xuyên. Cụ thể, người bệnh nên giảm năng lượng trong khẩu phần ăn bằng cách theo dõi khẩu phần từng bữa, tăng lượng rau, giảm lượng thức ăn vặt chứa nhiều năng lượng; qua đó giảm năng lượng tổng thể.

Song song với chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh nên duy trì việc tập thể dục thường xuyên. Chương trình tập luyện được thiết kế riêng cho bản thân không chỉ đem lại hiệu quả giảm cân mà còn tăng cường quá trình trao đổi chất; qua đó, tăng cường đốt cháy chất béo, rút ngắn thời gian đưa cân nặng trở về mức mong muốn.

Theo bác sĩ Trâm, người mắc bệnh tuyến giáp cần điều trị bệnh ổn định trước khi tiến hành tăng hay giảm cân theo ý muốn, duy trì thời gian ngủ hợp lý. Tình trạng thiếu ngủ làm tăng hormone cảm giác đói ghrelin và làm giảm hormone cảm giác no leptin. Thiếu ngủ thường khiến nhiều người cảm thấy đói và ăn nhiều hơn. Người lớn tuổi nên duy trì thời gian ngủ từ 7-8 tiếng mỗi ngày.

Hoàng Trang