Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Rối loạn giấc ngủ cảnh báo bệnh đái tháo đường

Ngủ gà ngủ gật, buồn ngủ sau ăn, ngủ không ngon giấc… có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, những dấu hiệu bệnh tiểu đường đến từ nguyên nhân lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Những dấu hiệu sớm của đái tháo đường là tình trạng đói, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, liên tục khát nước, khô miệng, ngứa da, nhìn mờ... Trong đó, đáng chú ý nhất là những rối loạn về giấc ngủ.

Người bệnh đái tháo đường thường có chất lượng giấc ngủ kém, bao gồm tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon. Một số người ngủ quá nhiều, số khác lại gặp khó khăn để ngủ đủ giấc hoặc rơi vào trạng thái ngủ gà ngủ gật. Đây là trạng thái ngủ không sâu và dễ bị thức giấc bởi những tác động xung quanh như âm thanh, tiếng ồn, nhiệt độ... Dấu hiệu buồn ngủ sau khi ăn cũng là dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Trâm giải thích, do cơ thể thu nạp một lượng lớn tinh bột sẽ xảy ra tình trạng dư thừa glucose. Khi đó cần phải có một lượng lớn insulin thích hợp để đẩy nhiều glucose hơn vào tế bào, khiến lượng đường trong máu giảm mạnh. Tuy nhiên, khi lượng đường dư thừa được giải phóng, cơ thể lại rơi vào trạng thái hạ đường huyết quá mức, còn các chất dinh dưỡng chưa được chuyển tới não bộ nên gây ra buồn ngủ. Tình trạng này diễn ra thường xuyên, insulin tiết ra quá mức lặp lại nhiều lần là biểu hiện của bệnh đái tháo đường.

Rối loạn về giấc ngủ là biểu hiện dễ gặp ở người bệnh đái tháo đường. Ảnh: Shutterstock

Rối loạn về giấc ngủ là biểu hiện dễ gặp ở người bệnh đái tháo đường. Ảnh: Shutterstock

Ngoài những rắc rối về giấc ngủ, người bệnh còn đối diện với những ảnh hưởng và biến chứng nguy hiểm do rối loạn giấc ngủ gây ra như ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, tăng đường huyết...

Chứng ngưng thở khi ngủ: là triệu chứng liên quan đến việc ngừng hoạt động thở trong khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong lúc ngủ, ngăn không khí đến phổi. Mức oxy trong máu xuống thấp cũng gây ảnh hưởng đến chức năng não và tim. Theo bác sĩ Trâm, có đến 2/3 số người thừa cân bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Nhóm người này cũng dễ bị bệnh đái tháo đường.

Chứng ngưng thở khi ngủ cũng làm thay đổi chu kỳ và các giai đoạn của giấc ngủ. Bác sĩ Trâm dẫn một số nghiên cứu cho thấy, mối liên kết giữa tình trạng xáo trộn giấc ngủ với suy giảm hormone tăng trưởng. Hormone này vốn đảm nhiệm vai trò hỗ trợ quá trình tăng trưởng của cơ thể, sửa chữa tế bào và trao đổi chất. Khi rơi vào trạng thái suy giảm, hệ lụy kéo theo là tăng mỡ toàn thân, hình thành mỡ bụng và khó tạo cơ. Hội chứng này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường và tình trạng kháng insulin xảy ra ở người bệnh.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương các dây thần kinh ở bàn chân và chân: là nguyên nhân khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Tổn thương dây thần kinh này có thể gây mất cảm giác ở bàn chân hoặc các triệu chứng như ngứa ran, tê, rát và đau.

Hội chứng chân không yên: là một chứng rối loạn giấc ngủ với điểm đặc trưng là sự kích thích chân di chuyển, người bệnh đái tháo đường khó có thể cưỡng lại cảm giác này. Rối loạn giấc ngủ này thường đi kèm với biểu hiện ngứa ran, tê, rát hoặc đau chân, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc giấc ngủ không thể diễn ra.

Hạ và tăng đường huyết: cả hai tình trạng đường huyết này đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh đái tháo đường. Nếu tăng đường huyết khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, bất an, nóng nực thì hạ đường huyết gây cảm giác đói, chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi. Những biểu hiện này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ hoặc khó khăn khi vào giấc.

Ngủ ngáy: có thể đến từ nguyên nhân béo phì hoặc thu nạp nhiều chất béo. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng ngưng thở khi ngủ, tiểu đường type 2, bệnh tim, tăng huyết áp, viêm khớp và đột quỵ.

Theo bác sĩ Trâm, những người từ 45 tuổi trở lên hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh. Việc làm này nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh, tránh những tổn thương thần kinh, rối loạn tim và các biến chứng khác.

Bên cạnh các dấu hiệu sớm, khi có biến chứng xảy ra, người bệnh cũng nên thăm khám để được bác sĩ chỉ định điều trị, giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn. Các tình trạng có thể gặp như vết loét hoặc vết cắt da lâu lành, ngứa da (quanh âm đạo hoặc bẹn), nhiễm trùng nấm men thường xuyên, tăng cân đột ngột, màu sắc và tính chất da thay đổi (da sậm màu, mịn ở cổ, nách và bẹn), tê và ngứa ran bàn tay và bàn chân, giảm thị lực, bất lực hoặc rối loạn cương dương...

Bác sĩ Trâm chia sẻ thêm, bất cứ ai cũng nên đi khám chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường nếu xuất hiện các biểu hiện sớm bệnh tiểu đường. Các dấu hiệu đáng lưu ý như đau bụng, khát nước, đi tiểu nhiều, thở sâu và nhanh hơn bình thường, hơi thở có mùi thơm như mùi táo chín, mùi sơn móng tay (dấu hiệu cho thấy lượng ceton trong máu rất cao)... Chúng có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường đã tiến triển.

Người trưởng thành cần có kế hoạch phòng bệnh thông qua cân bằng lượng thức ăn đầy đủ chất mỗi ngày, tránh thêm đường và tinh bột đã qua chế biến, giảm thu nạp chất béo bão hòa, kiểm soát huyết áp, không vượt quá 130/80mmHg, duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động. Với người bệnh, lượng đường trong máu ổn định, duy trì mức cholesterol và lượng chất béo trung tính (lipid) ở mức bình thường... làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Hoàng Trang