Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

'Phân làn vô ích vì xe cá nhân quá nhiều'

Chừng nào người Việt vẫn chưa chịu từ bỏ xe cá nhân, thì những giải pháp như phân làn riêng giữa ôtô và xe máy cũng chỉ như vô vọng.

Sau nhiều ngày thí điểm phân làn riêng giữa ôtô và xe máy, cảnh ùn ứ vẫn diễn ra trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dải phân cách cứng đứt quãng nên xe máy vẫn đi vào làn ôtô khiến tình hình giao thông tại đây không thay đổi nhiều sau khi được phân làn. Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, có ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở việc "đường quá ít so với chung cư cao tầng". Tuy nhiên cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm trên.

Nguyễn Trãi có thể xem là một trong những con đường rộng rãi ở Hà Nội. So với bên Hàn Quốc, người ta cũng chỉ có những con đường tương đương như vậy mà thôi, nhưng đường phố của họ không hỗn loạn như ở ta. Vấn đề là người Việt đi xe cá nhân quá nhiều, chứ đừng đổ lỗi cho chung cư. Ở Hàn Quốc, không thiếu các chung cư cao tầng trong nội thành, nhưng người ta đa phần chọn đi tàu điện ngầm và xe buýt thay vì đi xe cá nhân nên không khổ vì tắc đường.

Nói cách khác, phương tiện cá nhân chính là nguồn cơn của tắc đường, dù là ôtô hay xe máy. Bài toán giao thông ở Việt Nam chỉ có thể tìm được lời giải khi người dân chuyển sang đi phương tiện công cộng. Còn nếu nhà ai cũng vài ba cái xe máy, hoặc ôtô riêng rồi ùa ra đường hết thì không tắc mới lạ. Việt Nam dù có ít dân như Hàn Quốc mà cứ đi phương tiện cá nhân thì mãi mãi không khá lên được.

Cái cốt lõi ở đây là chúng ta cần giải quyết là hạn chế phương tiện cá nhân nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng thêm các tuyến tàu điện, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân. Chứ kể cả có chuyển hết chung cư ra ngoại ô, nhưng người dân vẫn cứ đi xe cá nhân vào nội thành để đi làm mỗi ngày thì tắc vẫn hoàn tắc.

Cũng xin nói thêm, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, không phải mọi nơi đều có tàu điện, hay cứ bước chân ra ngõ là có ga tàu cho bạn đi. Người ta cũng phải đi bộ mới tới được ga tàu. Chuyện Việt Nam chưa đồng bộ được hệ thống xe buýt, tàu điện là đúng. Sẽ cần có thêm thời gian để hạ tầng giao thông công cộng được hoàn thiện. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, có sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng hay không? Nước nào người ta cũng phải chấp nhận đi bộ hết, còn nếu cứ ngồi một chỗ, đòi hỏi bước chân ra khỏi cửa là có tàu điện, xe buýt đón ngay rồi đưa bạn đi mọi nơi thì chẳng bao giờ có.

>> 'Cấm xe máy' nhìn từ đường Lê Văn Lương

Lấy ví dụ bạn làm ở khu phố cổ, nhưng tàu điện xa vì chưa có tuyến kết nối. Sau này có tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thì bạn sẽ dừng ở ga Hà Nội rồi đi bộ vào phố cổ hoặc bạn kết hợp đi xe buýt. Bạn tôi ở Hàn Quốc đi bộ hai km từ ga về nhà là chuyện bình thường. Quan trọng là bạn có chịu thích nghi hay không, còn đừng đổ cho xa hay gần nên không đi xe công cộng. Không có tàu điện thì bạn đi xe buýt, thậm chí phải đi hai, ba tuyến. Đừng đổ tại bất tiện này kia.

Ngay cả BRT ở Hà Nội tôi nghĩ cũng không phải sai lầm vì phương tiện công cộng là xu hướng của thế giới. Có điều tuyến đường quá chật dẫn đến các phương tiện khác phải chen chúc, lấn làn. Đây là một hạn chế cần phải nghiên cứu khắc phục, chứ không phải đòi dẹp bỏ BRT như nhiều người vẫn nói.

Quan trọng nhất là chúng ta phải sớm đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, tức là phải làm nhanh hơn, đẩy tiến độ lên các tuyến tàu điện tiếp theo, BRT tiếp theo. Nhà tôi ở đường Tố Hữu, nhưng đi lên công ty bằng BRT lại phải xuống giữa chặng, đi tuyến nữa lại dừng cách công ty khá xa. Theo tôi, phải bố trí làm sao để gần các khu văn phòng sẽ phải có điểm dừng thật tiện, thay vì chỉ có điểm dừng ở những trục chính. Còn không thì phải phát triển thêm dạng xe điện trung chuyển từ ngoài bến buýt vào các địa điểm đường nhỏ, đường nhánh như xe du lịch ở phố cổ.

Tôi thấy, giải pháp là dồn lực làm phương tiện công cộng trong 4-5 năm tới, xây dựng đồng loạt, cho cả các tập đoàn trong nước đứng ra đầu tư tàu điện trên cao rồi cho họ bán vé thu hồi vốn. Ví dụ như tuyến Phạm Hùng - Vành đai ba, mật độ xe cộ rất lớn nhưng phương tiện công cộng lại chẳng có gì ngoài xe buýt chậm. Trong khi thực tế, dọc tuyến này rất cần một tuyến tàu điện hoặc Mono rail như ở Kuala Lumpur. Nếu không làm nhanh, cứ lùi tiến độ rồi chờ khảo sát thì biết bao giờ cho hết ùn tắc? Muốn hướng tới mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân trước năm 2030, ít nhất chúng ta phải có 5-6 tuyến tàu điện. Bằng không, mọi kế hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy.

Tran Thanh Cong

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.