Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Nông dân cải tạo, trồng mới vườn cà phê từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân Đắk Lắk

Cải tạo, chăm sóc cà phê, hồ tiêu

Sở hữu hơn 3 sào đất trồng cà phê già cỗi xen canh một số trụ tiêu, từ lâu ông Trần Văn Minh (thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuếk, huyện Krông Pắc) muốn chuyển đổi, nhổ bỏ một phần diện tích cà phê không hiệu quả để trồng tiêu song không có vốn. Chính vì vậy, khi nghe thông tin Hội Nông dân huyện xây dựng dự án Quỹ HTND đầu tư cải tạo vườn cà phê, ông Minh rất phấn khởi.

Với số tiền được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND, ông Minh mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê già cỗi, đầu tư đổ trụ bê tông trồng 250 gốc tiêu mới. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn tiêu phát triển tốt, ông tin tưởng chỉ sau 2 năm, khi tiêu cho thu hoạch, ông sẽ hoàn trả 100% vốn vay cho quỹ.

“Rót vốn” giúp nông dân cải tạo, trồng mới cà phê - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà phê, hồ tiêu bền vững của nông dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Thu Hà

"Nhờ được đầu tư bài bản nên vườn tiêu phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha, tăng khoảng 3 tấn/ha so với trước".

Ông Nguyễn An Thạnh - Chủ nhiệm CLB sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin).

Chủ tịch Hội ND huyện Krông Pắc - Nguyễn Công Hiếu cho biết: Xuất phát từ thực tế nhu cầu vay vốn trong nông dân ngày càng lớn, Hội ND huyện đã xây dựng đề án phát triển Quỹ HTND. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm đều được ngân sách địa phương trích 500 triệu đồng để hỗ trợ nông dân dưới hình thức cho vay theo tổ, nhóm.

"Muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này, nông dân các xã, thị trấn phải thành lập tổ vay vốn hoặc tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp và xây dựng những mô hình, dự án phát triển kinh tế cụ thể, có tính khả thi. Ban điều hành quỹ của huyện tiến hành khảo sát, thẩm định một cách công khai, khách quan các dự án nhằm bảo toàn nguồn vốn vay" - ông Hiếu nói.

Tại huyện Cư Kuin, Hội ND huyện đã thành lập nhiều mô hình nông dân liên kết sản xuất từ nguồn vốn Quỹ HTND. Chủ tịch Hội ND huyện Cư Kuin - Nguyễn Lưu Tuệ cho biết: Trong 5 năm qua, Hội ND huyện đã xây dựng được 3 hợp tác xã nông nghiệp, 4 tổ hợp tác, 33 tổ sản xuất cà phê bền vững, 2 câu lạc bộ (CLB) hồ tiêu và 8 tổ thủy nông.

Điển hình có thể kể đến CLB sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 (xã Ea Bhốk) được thành lập năm 2018, với 15 hộ tham gia, tổng diện tích 9ha.

Ông Nguyễn An Thạnh - Chủ nhiệm CLB cho hay, trước đây các hộ trồng tiêu trên địa bàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất không cao, vườn cây hay bị dịch bệnh. Từ khi tham gia CLB, các thành viên đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Cùng với đó là được Hội ND huyện tạo điều kiện vay vốn từ nguồn Quỹ HTND với tổng số tiền 500 triệu đồng để mua sắm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Nhờ được đầu tư bài bản nên vườn tiêu phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha (tăng khoảng 3 tấn/ha so với trước).

Động lực giúp nông dân thi đua SXKD giỏi

Giai đoạn 2017 - 2021, bình quân hằng năm, toàn tỉnh Đăk Lăk có 106.718 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, chiếm 55% so với tổng số hộ đăng ký thi đua, tăng 5% so với giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó có 18.554 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Lăk cho biết: Để hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào. Đồng thời, các cấp Hội tích hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân.

Cụ thể, về vốn Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 46,7 tỷ đồng Quỹ HTND. Riêng trong năm 2021, Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã triển khai xây dựng 51 dự án với 432 hộ tham gia với tổng nguồn vốn là 12,6 tỷ đồng Quỹ HTND.

Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, trong năm 2021, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 26 mô hình điểm. Nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, hợp tác, đẩy mạnh liên kết sản xuất.

Điển hình như các mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững; cánh đồng mẫu lớn; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi bò vỗ béo... đã phát huy được điều kiện tự nhiên, thế mạnh của địa phương, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vươn lên làm giàu. Các mô hình này tập trung nhiều ở các huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'leo, Ea Kar và TP.Buôn Ma Thuột.