Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Những lưu ý cho người bệnh đái tháo đường trước phẫu thuật

Người bệnh đái tháo đường cần thăm khám và được đánh giá tình trạng sức khỏe, ổn định đường huyết trước khi mổ.

Bác sĩ CKI Ngô Xuân Điền, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, bệnh nhân đái tháo đường nếu không kiểm soát tốt đường huyết làm tăng nguy cơ biến chứng, tử vong trong và sau phẫu thuật. Trước khi gây mê, người bệnh cần được đánh giá các yếu tố như loại đái tháo đường, phác đồ điều trị, tình trạng ổn định đường huyết, các biến chứng lên các cơ quan như tim, não, mắt, thận, mạch máu thần kinh ngoại biên... Đường huyết ổn định là yếu tố bắt buộc trước phẫu thuật. Đường huyết rất dễ thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, nhiều khuyến cáo sử dụng chỉ số xét nghiệm HbA1c để đánh giá ổn định đường huyết cho bệnh nhân trước phẫu thuật.

Gây mê trước khi phẫu thuật

Bác sĩ Điền chia sẻ thêm, bệnh nhân có nguy cơ rối loạn hệ thống thần kinh tự động, biểu hiện nặng hơn ở người bệnh cao tuổi và đái tháo đường lâu năm, có kèm theo bệnh động mạch vành hoặc sử dụng thuốc chẹn beta. Rối loạn hệ thống thần kinh tự động làm tăng nguy cơ bị hạ huyết áp, hạ đường huyết không triệu chứng trong và sau phẫu thuật. Điều này khiến khó phát hiện kịp thời, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nhịn ăn trước phẫu thuật làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, nhất là với người đang điều trị đái tháo đường với insulin. Người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như vã mồ hôi, chóng mặt, mờ mắt, tay chân run... cần được kiểm tra đường huyết và xử lý kịp thời.

Bác sĩ gây mê, đặt ống thở cho bệnh nhân. Ảnh: Shutterstock

Bác sĩ gây mê, đặt ống thở cho bệnh nhân. Ảnh: Shutterstock

Kiểm soát được đường huyết tốt giúp ích cho việc phẫu thuật. Bởi mức đường huyết tăng làm tăng áp lực thẩm thấu máu, tăng ceton gây toan hóa máu, tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn, chậm lành vết thương. Cách kiểm soát đường huyết phổ biến cho các bệnh nhân đái tháo đường là liều nhỏ insulin hoặc truyền liên tục. Đường truyền tĩnh mạch bổ sung dextrose (một loại đường) cùng các dịch truyền khác giúp hạn chế thiếu dịch.

Người bệnh đái tháo đường có cơ địa suy giảm miễn dịch. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh dự phòng hay điều trị đúng thời điểm cần phải được theo dõi và thực hiện đầy đủ.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi kỹ đường huyết, cân nhắc sử dụng insulin truyền tĩnh mạch để ổn định đường huyết, kết hợp phòng ngừa nguy cơ hạ kali máu đi kèm. Tích cực hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để có kế hoạch ổn định đường huyết tối ưu.

Các biến chứng có thể xảy ra khi gây mê

Theo bác sĩ Điền chia sẻ thêm, người bệnh đái tháo đường khi phẫu thuật nếu gây mê hồi sức theo dõi không đúng cách có nguy cơ bị các biến chứng thần kinh mạch máu cũng như các vấn đề về nhiễm trùng, chuyển hóa đi kèm. Người bệnh đái tháo đường đường thường đi kèm các biến chứng lên các cơ quan (như tim, não, mắt, thận, hệ thần kinh tự chủ) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng tỷ lệ của các tai biến trong và sau phẫu thuật. Các tai biến, biến chứng mà người bệnh đái tháo đường có thể phải đối mặt như:

Hạ đường huyết: người bệnh phải nhịn đói từ 8-12 tiếng trước phẫu thuật nên có nguy cơ cao hạ đường huyết. Nếu không điều chỉnh bằng insulin phù hợp thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm trùng: do tình trạng đường huyết cao, hệ miễn dịch thấp khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường. Sau phẫu thuật, người bệnh cần nằm viện lâu hơn để được chăm sóc và theo dõi vết thương.

Vết thương lâu lành: nguy cơ nhiễm trùng cao, tuần hoàn máu kém khiến vết thương lâu lành và có thể bị hoại tử. Vai trò của việc điều chỉnh đường huyết về mức ổn định rất quan trọng để giúp vết mổ lâu lành.

Tăng tỷ lệ nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim trong và sau phẫu thuật do tình trạng đường huyết cao làm tổn thương các mạch máu nuôi tim (mạch vành) và các hệ thống kiểm soát nhịp tim.

Người mắc bệnh đái tháo đường thường đi kèm bệnh thận mạn làm tăng nguy cơ suy thận do phẫu thuật kéo dài, có khả năng mất máu cao và các thuốc dùng trong gây mê hồi sức.

Bệnh nhân phẫu thuật vào buổi sáng cần duy trì thuốc điều trị đái tháo đường đến trước ngày phẫu thuật; nhịn ăn từ trước đêm phẫu thuật; không ăn sáng và ngưng sử dụng dạng insulin nhanh. Nếu bệnh nhân có dùng insulin tác dụng chậm có thể duy trì một nửa liều. Người bệnh cần được kiểm tra glucose mao mạch trước khi vào phòng mổ.

Bệnh nhân phẫu thuật buổi chiều nên duy trì điều trị đái tháo đường đến trước ngày phẫu thuật; nhịn ăn từ đêm trước phẫu thuật; có thể ăn sáng nhẹ và dùng một nửa liều insulin nhanh.Nếu bệnh nhân sử dụng insulin tác dụng chậm có thể duy trì một nửa liều. Người bệnh cần được kiểm tra glucose mao mạch 2 giờ một lần trước mổ.

Tùy vào tình trạng nội khoa của từng cá thể, loại phẫu thuật, thời gian phẫu thuật mà các bác sĩ Nội tiết và Gây mê hồi sức sẽ thống nhất kế hoạch kiểm soát đường huyết phù hợp. Người bệnh cần nhận thức tình trạng bệnh của bản thân để hợp tác cùng bác sĩ trong công tác điều trị, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.

Đinh Tiên