Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở lại với khán giả TP.HCM trong đêm nhạc cổ điển Pháp

Đây là chương trình hòa nhạc đầu tiên nhạc trưởng Lê Phi Phi từ Macedonia trở về TP.HCM sau hai năm dài xa cách quê hương Việt Nam vì đại dịch Covid-19.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở lại với khán giả TP.HCM trong đêm nhạc cổ điển Pháp - Ảnh 1.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi. Ảnh: NVCC

Hòa nhạc Pháp với hai nhà soạn nhạc Georges Bizet (L'Arlésienne Suite No. 1) và Camille Saint-Saens (Le Carnaval des animaux) sẽ đến với khán giả với hai tay đàn piano Nguyễn Thùy Yên và Phạm Nguyễn Anh Vũ, biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng HBSO (HBSO Symphony Orchestra), chỉ huy đêm diễn - nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Saint-Saens được coi là một nhà soạn nhạc lớn vào thời của ông, mặc dù ông giữ chủ nghĩa truyền thống trong khi làn sóng chủ nghĩa hiện đại đang nổi lên bởi Debussy và Ravel. Ông đã sáng tác các bản giao hưởng, concerto và nhạc kịch, trong đó Samson và Delilah (1877) là vở nổi tiếng nhất.

Nhà soạn nhạc Saint-Saens có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Ông đến thăm Việt Nam vào năm 1895 và ở lại ba tháng tại Côn Đảo, nơi mà ông coi là thiên đường. Tại đây, ông đã viết nửa sau của vở nhạc kịch chưa hoàn chỉnh, Fredegonde. Vở nhạc kịch này đã được HBSO biểu diễn vào năm 2017, dưới sự chỉ huy của chỉ huy người Pháp Patrick Souillot. Đây là lần thứ hai Fredegonde được dàn dựng, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau khi công diễn ra mắt.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở lại với khán giả TP.HCM trong đêm nhạc cổ điển Pháp - Ảnh 2.

Poster của đêm hòa nhạc Pháp

Trong chương trình hòa nhạc tối 14/8 lần này, tác phẩm mở đầu sẽ là Tổ khúc số 1 L'Arlesienne của nhà soạn nhạc người Pháp lừng danh Georges Bizet. Bizet đã viết phần nhạc cho vở kịch sân khấu L'Arlesienne của Daudet (cô gái đến từ Arles - một thị trấn ở Pháp) và sau đó ông viết tổ khúc dàn nhạc cho phần âm nhạc này. Một tổ khúc khác được viết bởi những người khác sau khi Bizet qua đời.

Tiếp theo là Carnival of Animals của Saint-Saens, có lẽ đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nó được viết cho dàn nhạc thính phòng và hai đàn piano, với 14 chương. Tác phẩm này cũng thường được biểu diễn trong một phiên bản dành cho toàn bộ dàn nhạc.

Chương nổi tiếng nhất của tác phẩm này có đoạn cello độc tấu và được gọi là "Thiên nga". Trong tác phẩm này, mỗi chương tượng trưng cho một loài động vật khác nhau, chẳng hạn như rùa, voi, chuột túi và chim cu gáy.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở lại với khán giả TP.HCM trong đêm nhạc cổ điển Pháp - Ảnh 3.

Pianist Thùy Yên và Anh Vũ

Khán giả TP.HCM sẽ được thưởng thức các tác phẩm này dưới sự trình diễn của nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên và Phạm Nguyễn Anh Vũ.

Ngoài ra, trong phần sau của chương trình còn có thêm ba sáng tác khác là: Pavane giọng Fa thăng thứ của Fauré; Dance Macabre của Saint-SaensBoléro của Ravel.

Boléro là một điệu nhảy khác của Tây Ban Nha. Ban đầu tác phẩm là một bản nhạc dành cho tác phẩm múa ballet; ngày nay nó thường được biểu diễn thường xuyên như một tác phẩm âm nhạc độc lập cho dàn nhạc. Tác phẩm đã thành công vang dội ngay từ lần công diễn đầu tiên. Toscanini đã chỉ huy buổi công diễn tại Mỹ vào năm 1929 trong những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Đêm nhạc cổ điển Pháp lần này đánh dấu sự trở lại của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi, người đã có những chương trình hòa nhạc chất lượng rất cao với HBSO.

Lê Phi Phi sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Mẹ ông là bác sĩ, tiến sĩ y học Lê Thị Ngọc Anh. Cha ông là nhạc sĩ Hoàng Vân. Chị gái của ông là TS Âm nhạc Lê Y Linh (bảo vệ tại trường Sorbonne, Paris, Pháp). Vợ ông là bà Lidjia Dobrevska, một solist vĩ cầm tại DNGH Macedonia.

Được người cha truyền cho say mê âm nhạc, ông được học piano từ nhỏ, và bắt đầu học chỉ huy tại Nhạc Viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay) cho đến khi sang Moscow học tại nhạc viện Tchaikovsky. Sau khi tốt nghiệp, ông được mời về làm nhạc trưởng và giảng viên âm nhạc tại nước CH Bắc Macedonia và định cư ở đất nước này cho đến nay.

Từ năm 1993, nhạc trưởng Lê Phi Phi liên tục đi biểu diễn và cộng tác dàn dựng và biểu diễn với rất nhiều nghệ sỹ, dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, nhà hát nhạc vũ kịch… danh tiếng ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Phần Lan, Thuỵ Điển, Nga, Bulgaria, Serbia, Albania... Ngoài ra ông cũng góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc công trẻ tại là tài năng tương lai cho các dàn nhạc, nhà hát quốc tế tại các nhạc viện ở Bắc Macedonia. Ông cũng là thành viên giám khảo cho nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Lê Phi Phi đã cộng tác chặt chẽ từ nhiều năm nay với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch TPHCM, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội…

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chính là người dàn dựng những chuỗi chương trình mới mẻ được yêu thích nhất của HBSO hiện nay như: Nhạc phim, Rock Symphony. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky ở Moscow, ông trở thành chỉ huy thường trực của Dàn nhạc giao hưởng Macedonia, đồng thời chỉ huy khắp châu Âu cũng như ở quê nhà Việt Nam.