Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Mỹ đau đầu với 'mối họa' TikTok

Mỹ ngày càng lo ngại vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến TikTok, trong khi các nhà lập pháp thúc đẩy kiểm soát mạng video ngắn.

Đầu 2021, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa ở Florida cùng Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, đã gặp nhau để thảo luận về chính sách công nghiệp và Trung Quốc. Trong buổi gặp, Rubio nêu lên những lo lắng của mình về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với TikTok.

Một nhân viên bảo vệ tại văn phòng của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tại Bắc Kinh năm 2020. Ảnh: Reuters

Một nhân viên bảo vệ tại văn phòng của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tại Bắc Kinh năm 2020. Ảnh: Reuters

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, TikTok đã luôn bị đặt câu hỏi liệu mạng video của ByteDance có gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ bằng cách chia sẻ thông tin về công dân nước này với Trung Quốc hay không.

Cuộc họp kể trên chỉ là một trong nhiều thảo luận về TikTok kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Thượng nghị sĩ Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của đảng Dân chủ, cho biết ông đã tham gia "các cuộc trò chuyện tích cực" với chính quyền về ứng dụng video này.

Theo các chuyên gia, số lượng cuộc họp về vấn đề TikTok diễn ra ngày một nhiều báo hiệu sự căng thẳng đang âm ỉ như thế nào ở Washington. Sự không hài lòng thậm chí bùng phát những tháng gần đây, khi cả Rubio và Warner kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) điều tra nền tảng, trong khi một nhà quản lý tại Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) công khai cho rằng TikTok nên bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng Play Store và App Store.

Ngày 16/8, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng yêu cầu TikTok trả lời về việc ai có thể truy cập dữ liệu của ứng dụng. Cùng ngày, các quan chức thuộc Hạ viện Mỹ khuyến cáo nhân viên không sử dụng hoặc tải xuống TikTok với lý do lo ngại về bảo mật.

Với hơn một tỷ người dùng, TikTok đã trở thành công cụ chính lan truyền các hiện tượng văn hóa ở một số quốc gia, gồm Mỹ. Theo báo cáo tuần trước của Pew Research, 67% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi ở nước này hiện dùng mạng video ngắn của ByteDance.

TikTok đang cố gắng xoa dịu vấn đề. Trong cuộc phỏng vấn với CNN tháng trước, Michael Beckerman, một giám đốc cấp cao của TikTok tại Mỹ và là người phụ trách vận động hành lang của mạng xã hội, nói việc thu thập dữ liệu của TikTok "rất nhỏ" so với các ứng dụng xã hội khác. Để giảm bớt lo ngại về bảo mật, ông khẳng định công ty sẽ chỉ lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ của Oracle ở Mỹ, đồng thời xóa các bản sao lưu ở Singapore và Virginia.

Sự giám sát nhằm vào TikTok hiện nay được xem là "căng thẳng" nhất kể từ khi ông Trump buộc nền tảng này phải được sở hữu bởi một công ty Mỹ vào năm 2020. Nhà Trắng được cho là đang hoàn thiện các điều luật để kiểm soát và ngăn chặn các ứng dụng như TikTok tuồn dữ liệu trong nước ra nước ngoài.

"Chính quyền Biden đang tập trung vào các nền tảng từ những quốc gia nhất định, gồm Trung Quốc, nhằm kiểm soát và hạn chế thu thập dữ liệu của người Mỹ, tránh gây các rủi ro an ninh quốc gia", Saloni Sharma, phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), cho biết.

'Mối họa' ngày bầu cử Mỹ

Tháng 11 tới, Mỹ sẽ tiến hành bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống. Theo giới chuyên gia, TikTok có thể sẽ trở thành nền tảng chứa đầy rẫy tin giả, sai sự thật và gây không ít hệ lụy như những gì Facebook, Twitter phải đối mặt trước đây. Thậm chí, nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch còn mạnh mẽ hơn do chúng xuất hiện dưới dạng video và âm thanh - hai loại nội dung khó kiểm duyệt hơn văn bản và ảnh.

"Với thời gian cực ngắn và nội dung chữ bị giới hạn, người dùng khó có đủ thời gian để kiểm tra tính chính xác của thông tin. Đó là chưa kể chúng được truyền bá bởi hàng trăm triệu người dùng", Kaylee Fagan, một nhà nghiên cứu thuộc trường Harvard Kennedy, nói với New York Times.

Thực tế, ban đầu TikTok chỉ hướng đến các video giải trí ngắn dạng "vô thưởng vô phạt". Nhưng thời gian qua, nhiều nội dung chính trị xuất hiện ngày một nhiều, gồm cả thông tin sai sự thật từ các video deepfake giả chính trị gia.

Trước đây, đại diện TikTok cho biết đã xoá 350.000 video đưa tin tức sai lệch về cuộc bầu cử và thao túng truyền thông trong nửa cuối 2020. Bộ lọc nội dung của mạng video cũng ngăn chặn khoảng 441.000 video vô căn cứ, không đề xuất đến người dùng. Dù đã xử lý tốt ở một số nơi, TikTok vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát thông tin trong các cuộc bầu cử ở Pháp hay Australia. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể gặp vấn đề tương tự.

"Ít nhất, Facebook và Twitter vẫn có tính minh bạch ở một phần nào đó. Nhưng với TikTok, mọi thứ khó kiểm soát hơn bởi các nội dung khó xác định hơn", Filippo Menczer, giáo sư tại Indiana University, nói về việc kiểm duyệt nội dung trên TikTok với New York Times. "Điều này chỉ được giải quyết nếu TikTok công bố dữ liệu hoặc công khai thuật toán bí mật của mình".

Mạng video ngắn của ByteDance hiện không công bố số lượng người kiểm duyệt nội dung. Theo Business Insider, công ty thuê một số bên thứ ba để làm điều này. Dù vậy, báo cáo gần đây cho thấy họ đang gặp phải tình trạng quá tải, sang chấn tâm lý, ám ảnh hoặc các vấn đề tâm thần khác khi thực hiện công việc.

Giới chuyên gia đánh giá, tới tháng 11, công việc kiểm duyệt của nhân viên TikTok sẽ tăng lên bội phần. Họ cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi xác định các nội dung chính trị tăng vọt.

Bảo Lâm tổng hợp