Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Một kỷ niệm nhỏ với thầy Nguyễn xuân Vinh

Nguyễn Đan Tâm

Hồi đó, vào niên học 1960-1961, tôi đang theo học lớp đệ nhất trường trung học Chu văn An Sài gòn. Đó là ngôi trường cũ, nằm cạnh sân vận động Petrus Ký, nhìn ra đường Trần bình Trọng. Thầy Nguyễn xuân Vinh là giáo sư toán của trường, nhưng tôi không được học thầy vì thầy chỉ dạy cho lớp ban B (ban toán thời đó.) Thỉnh thoảng, tôi đi ngang lớp thầy đang dạy thì có liếc nhìn rồi thôi. Tôi chú ý thầy vì nghe nói thầy tốt nghiệp cử nhân toán bên Pháp.

Di ảnh cố Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thời đó, bằng cử nhân là lớn lắm rồi, nhất là bằng của Pháp. Thầy luôn mặc thường phục khi đi dạy. Một hôm, thầy trong bộ quân phục hướng dẫn một phái đoàn vào trường làm thuyết trình. Tất cả học sinh được lịnh tập họp tại sân cờ. Lúc đó, qua lời giới thiệu, tôi mới biết thầy là Tư lệnh Không quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Buổi thuyết trình có mục đích cho học sinh Chu văn An hiểu biết về Không Quân và kêu gọi gia nhập vì Không Quân đang bành trướng, cần nhiều phi công. Các sĩ quan tháp tùng thay nhau nói về thể lệ gia nhập Không Quân, điều kiện học vấn, sức khoẻ, chiều cao, quyền lợi khi tốt nghiệp sĩ quan…Cuối cùng là phần giải đáp câu hỏi, thắc mắc.

Một học sinh thuộc loại “Nhất qủi, nhì ma, thứ ba học trò” nhận thấy trong phái đoàn sĩ quan có một vị với hàng râu mép nên đã mạnh dạn hỏi: “Khi vào Không Quân có được để râu hay không”? Cả bọn học sinh cùng ồ lên nhưng rán nín cười vì các thầy giám thị và thầy tổng lãng đang nghiêm khắc nhìn chúng tôi. Thầy Nguyễn xuân Vinh (không để râu) mĩm cười rồi chỉ định vị sĩ quan có râu trả lời. Đại khái, ông nầy nói là trong quân đội muốn để râu thì phải xin phép cấp trên, nhưng ông không nói rõ trường hợp của ông ta thì phải xin phép ai.

Buổi nói chuyện có kết qủa tốt, vì sau khi xong Tú Tài II, nhiều học sinh Chu văn An  thích “Đời Phi Công” nên đua nhau gia nhập Không Quân. Sau này, gặp lại, các tay phi công nào cũng để râu vì lúc đó Tư lệnh Không quân là vị sĩ quan có râu mép ngày nào. “Thầy nào thì trò nấy” mà.

Giáo Sư Viện Sĩ Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. (Hình: Phiến Đan)

***

Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh qua đời lúc 2 giờ 39 phút chiều Thứ Bảy, 23 Tháng Bảy, tại tư gia ở Costa Mesa, California, hưởng đại thọ 92 tuổi.

Ông là người nổi tiếng không chỉ về binh nghiệp mà còn đóng góp nhiều cho khoa học, đặc biệt là lĩnh vực không gian từ Việt Nam, Pháp đến Hoa Kỳ, và còn là nhà văn với bút hiệu Toàn Phong.

Năm 1951, ông nhập ngũ vào Quân Đội Quốc Gia tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy phục vụ ngành Không Quân và được đi du học tại Học Viện Không Quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l’Air).

Đầu năm 1954, ông tốt nghiệp bằng phi công. Sau đó, ông phục vụ chuyên ngành tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này, ông ghi danh học đại học và thi đậu bằng cử nhân toán ở đại học Aix-Marseille University.

Một năm sau, ông được lệnh trở về Việt Nam và được thăng cấp trung úy, phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Không Quân. Cuối năm 1955, ông được thăng cấp đại úy làm trưởng phòng nhân viên trong Bộ Tư Lệnh Không Quân, rồi lên thiếu tá làm tham mưu phó tại Bộ Tư Lệnh Không Quân.

Năm 1957, ông được thăng cấp trung tá, làm tham mưu trưởng Không Quân. Một năm sau, ông được thăng cấp đại tá, được bổ nhiệm làm tư lệnh Không Quân.

Năm 1962, ông xin giải ngũ và du học Hoa Kỳ, bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình khi mới 32 tuổi, và lấy bằng Tiến Sĩ Khoa Học Không Gian tại đại học University of Colorado, Boulder, năm 1965, sau khi thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền do NASA tài trợ.

Sau đó, ông làm giáo sư đại học University of Michigan, rồi lấy thêm bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Toán Học tại Đại Học Sorbonne, Paris, Pháp. Năm 1982, ông là giáo sư của ngành Toán tại đại học National Tsing Hua University, Đài Loan.

Kể từ đó, ông được bầu vào một số cơ quan khoa học, làm diễn giả tại các hội nghị và đại học khắp thế giới, và được đại học University of Michigan phong tặng chức Giáo Sư Danh Dự ngành kỹ thuật không gian vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.