Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Mỗi phút thế giới mất đi vùng rừng có diện tích bằng 16 sân bóng đá

Moi phut the gioi mat di vung rung co dien tich bang 16 san bong da hinh anh 1Lửa cháy rừng bốc ngùn ngụt ở vùng Belin-Beliet, Tây Nam Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dữ liệu công bố ngày 17/8 cho thấy diện tích cây xanh bao phủ trên toàn cầu bị thiêu rụi do cháy rừng từ tác động của biến đổi khí hậu hiện ở mức cao gấp đôi so với 20 năm trước.

Cứ mỗi phút thế giới lại mất đi một vùng rừng có diện tích tương đương 16 sân bóng đá.

Nghiên cứu cho biết trong 2 thập kỷ qua, mỗi năm lại có thêm 3 triệu ha rừng bị tàn phá do cháy rừng - tương đương diện tích nước Bỉ. Phần lớn diện tích cây xanh bị ảnh hưởng nằm ở những khu rừng ở Bắc bán cầu bao phủ phần lớn nước Nga, Canada và bang Alaska của Mỹ, những nơi lưu trữ lượng carbon lớn nhất trên Trái Đất.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (Mỹ) đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để lập bản đồ những khu vực mất rừng, bao gồm cả những khu vực bị thiêu rụi do cháy rừng nhưng đã hồi sinh. Đây là những đám cháy làm chết toàn bộ hoặc phần lớn khu rừng và gây ra những thay đổi lâu dài đối với cấu trúc rừng và thành phần hóa học đất.

Dữ liệu cho thấy năm 2021 là một trong những năm ghi nhận tình trạng cháy rừng nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ này, với 9,3 triệu ha bị tàn phá trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của Global Forest Watch và nhóm nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), diện tích rừng bị mất trong năm ngoái chiếm hơn 1/3 tổng diện tích rừng mất đi trên toàn cầu.

Nhà phân tích James McCarthy tại Global Forest Watch cảnh báo cháy rừng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

[Châu Âu ghi nhận con số kỷ lục về các vụ cháy rừng trong năm 2022]

Phần lớn - khoảng 70%, diện tích che phủ rừng bị thiêu rụi do hỏa hoạn trong 2 thập kỷ qua nằm ở các khu rừng ở Bắc bán cầu, nguyên nhân có thể là do các vùng ở vĩ độ cao đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn phần còn lại của Trái Đất. Năm 2021, Nga đã mất 5,4 triệu ha rừng do cháy rừng, tăng 31% so với năm 2020 và là mức cao nhất từng được ghi nhận.

Nghiên cứu cho biết nguyên nhân một phần là do các đợt nắng nóng kéo dài vốn không thể xảy ra nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do tác động của hoạt động con người. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng biến đổi khí hậu và cháy rừng có thể biến những khu rừng sâu - vốn là "bể chứa" carbon, trở thành nguồn thải carbon.

Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ cháy rừng khi mà những đợt nắng nóng khắc nghiệt khiến rừng khô cằn ở mức cao gấp 5 lần so với một thế kỷ rưỡi trước.

Nhóm nghiên cứu kêu gọi các chính phủ cải thiện khả năng phục hồi của rừng bằng cách chấm dứt nạn phá rừng và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương.

Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Tây Âu đã phải ứng phó với số vụ cháy rừng cao kỷ lục, với hàng chục nghìn ha rừng bị thiêu rụi ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)