Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Lý do khiến lao động làm việc ngoài nước bỏ trốn nhiều?

Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho thấy, hiện cả nước có hơn 500-600 nghìn lao động đang làm việc ở 40 quốc gia vùng lãnh thổ. Kiều hối mỗi năm số lao động này chuyển về nước đạt 3-4 tỷ USD.

Đi làm việc nước ngoài là kênh được nhiều lao động chọn lựa. Lý do là bởi công việc không đòi hỏi trình độ học vấn cao, đi làm việc trong thời gian ngắn, nhưng có thể tích cóp được vài trăm triệu đồng. Thế nhưng, khi có tiền, không phải lao động nào cũng biết điểm dừng.

Nguyễn Văn Linh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) từng là một trong số đó. Linh cho biết, anh đi làm việc ở Hàn Quốc từ năm 2005 nhưng phải tới năm 2012 anh mới về nước. Theo hợp đồng lao động, anh thuộc diện xuất cảnh làm việc 3 năm tại Hàn Quốc nhưng anh đã trốn ra ngoài làm việc thêm tới 4 năm sau đó mới về nước.

lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhiều lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn làm lao động bất hợp pháp. (Một lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc). Ảnh N.T

Anh Linh chia sẻ: "Trước đó đã nhiều lần muốn về nước nhưng do mức chênh lệch về thu nhập quá lớn giữa trong nước và Hàn Quốc nên tôi đã cố ở lại làm thêm kiếm ít vốn sau này về quê lập nghiệp".

Ngoài lý do trên, bản thân Linh cũng cho biết, thu nhập của lao động hợp pháp và lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc cũng có sự khác biệt. Lao động hợp pháp tại Hàn Quốc chỉ nhận lương cơ bản, cộng lương làm thêm dao động trong khoảng 30-35 triệu đồng (năm 2005-2007)nhưng ra ngoài làm lao động bất hợp pháp lương có hơn có thể nhận 40-50 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể lao động có quyền được chọn lựa công việc theo ý mình.

Ông Lê Đình Tùng - Phó giám đốc Sở LĐTBXH Thanh Hóa, cho biết: Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 42.113 lượt lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, với trên 32.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác. Hàng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD, tương đương 2.760-3.450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hợp đồng - bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam. Số lao động ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; Đài Loan... là các thị trường có nhiều lao động bỏ trốn, ở lại làm lao động bất hợp pháp.

Trước sức ép của Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam đã thực hiện hàng loạt giải pháp ngăn tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Bộ LĐTBXH đã đề xuất ký quỹ chống trốn lao động, đồng thời đề xuất phương án dừng tiếp nhận lao động ở các địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao hơn 27% tại thị trường Hàn Quốc.

"Cần nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ... cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó cần phải đẩy nhanh lộ trình giảm dần phí, hướng tới không thu phí người lao động. Phí do phía chủ sử dụng trả".

Ông Nguyễn Lương Trào - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đến hết ngày 30/6/2022 Thanh Hóa còn 890 lao động làm việc bất hợp pháp trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn. Trước đó, 4 huyện khác đã từng bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là: Thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn.

Ông Tùng chỉ ra nguyên nhân của việc lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng.

“Do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí cao hơn) nên nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động”, lãnh đạo Sở LĐTBXH Thanh Hóa cho biết.

Giải pháp hạn chế lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết Bộ đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa.

Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

lao động đi làm việc ở nước ngoài

Lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn vì chênh lệch thu nhập trong và ngoài hợp đồng rất lớn. Ảnh: N.T

Theo đó, việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với 8 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương năm 2023 sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vào thời điểm cuối năm 2022.

"Lao động bỏ trốn cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài xuất phát từ việc trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp với lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội", ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, nếu bị phát hiện, lao động sẽ bị phía bạn bắt giam, trục xuất mất cơ hội nhập cảnh trở lại.

Nói về nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn làm việc bất hợp pháp bà Nguyễn Thị Lan Hương - Chuyên gia lao động việc làm cho rằng: Lý do chính vẫn là do lao động đã phải mất một khoản chi phí lớn khi đi xuất khẩu lao động. Nhiều lao động đã phải chi phí từ 100-200 triệu đồng để có thể đi làm việc ở nước ngoài, vì thế, nếu chỉ đi làm việc theo hợp đồng 3 năm thì họ không tích lũy được bao nhiêu, chưa kể nhiều người còn ôm đống nợ khi đi làm việc ở nước ngoài khi về nước.

Mới đây, tại Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp” bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc dẫn lại con số được Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó. Theo đó, chi phí tuyển dụng trung bình của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khoảng 165 triệu đồng. Con số này tương đương khoảng 8 tháng lương tại quốc gia tiếp nhận. Đặc biệt, ở một số ngành… chi phí lên đến 200 triệu.

Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến cho một bộ phận lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Họ chọn di cư không giấy tờ hoặc chọn cảnh rơi vào cảnh lệ thuộc vì nợ.