Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Làng nghề từng chế tác trang sức cho vua chúa hồi sinh sau hàng thập kỷ "ngủ quên"

Clip các nghệ nhân ở làng nghề kim hoàn Định Công chia sẻ mong muốn phát triển làng nghề, truyền lại cho nhiều đời sau. Thực hiện: Kim Duyên.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 8 km về phía tay phải là phường Định Công, quận Hoàng Mai. Định Công nguyên là hai xã Định Công thượng và Định Công hạ của tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông trước năm 1945.

Về Định Công, tìm hiểu nghề kim hoàn truyền thống, thật bất ngờ khi được biết làng kim hoàn Định Công xưa chỉ gia đình 2 nghệ nhân họ Quách theo nghề đậu bạc truyền thống: nghệ nhân Quách Văn Trường (81 tuổi) và nghệ nhân Quách Văn Hiểu (70 tuổi).

Làng nghề từng chế tác trang sức cho "vua chúa" bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Đình Định Công nơi thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn: Trần Triều, Trần Điệu và Trần Hoàn. Ảnh: Kim Duyên.

Thợ kim hoàn làng Định Công vốn nổi tiếng từ lâu đời, gắn liền với câu ca: "Làng anh đất thợ kim hoàn/ Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay". Nghệ nhân Quách Văn Trường vẫn tự hào khẳng định: "Định Công là một vùng đất cổ và tên làng kim hoàn Định Công đã có từ rất xa xưa …". 

Nghề kim hoàn ra đời từ thời vua Lý Nam Đế

Vào thời Lý Nam Đế (khoảng thế kỷ VI), ở vùng đất Định Công xưa có ba anh em họ Trần, cha mẹ mất sớm, phải đùm bọc lẫn nhau kiếm sống. Sau khi Lý Nam Đế bại trận, đất nước dưới ách thống trị hà khắc của bọn xâm lược. Quê hương bị tàn phá, nhà cửa tan nát, ba anh em phải đưa nhau đi chạy loạn.

Khi qua huyện Quế Dương (Bắc Ninh), không may họ bị lạc nhau, mỗi người một ngả. Nhưng kì lạ, sau đó 3 anh em đều học và trở thành thợ kim hoàn giỏi. Tình cờ không hẹn mà gặp, cả ba anh em đều tìm đường trở về quê, cùng nhau mở cửa hàng làm nghề vàng bạc, lấy tên là "kim hoàn" (vòng vàng). 

Ba người lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, truyền từ đời này qua đời khác. Từ đó, người dân Định Công vẫn tự hào về nghề kim hoàn do ba cụ tổ họ Trần truyền dạy.

Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, Định Công trở thành làng nghề làm bạc nổi tiếng, là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ xưa, được dân gian lưu truyền "Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã". Cũng vì thế mà nhiều người thợ trong làng được tuyển lựa vào cung làm đồ trang sức cho vua chúa.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng nghệ nhân Quách Văn Trường vẫn minh mẫm kể, trước năm 1945 và giai đoạn 1945-1954 được coi là thời hoàng kim nhất của làng nghề kim hoàn ở Định Công, hầu như các gia đình trong làng đều có người theo nghề. Các sản phẩm trang sức vàng, bạc là niềm tự hào của người dân trong làng, là món đồ trang sức có tính thẩm mỹ cao của người Tràng An lúc bấy giờ.

Làng nghề từng chế tác trang sức cho "vua chúa" bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 5.

Để hoàn thiện 1 sản phẩm, người thợ phải làm hàng nghìn chi tiết từ những sợ bạc nhỏ bằng đầu tăm. Ảnh: Kim Duyên.

"Tuy nhiên, trong thời kỳ bao cấp nhà nước quản lý vàng, bạc, thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều thợ bạc ở đã chuyển sang làm nông nghiệp và một số công việc khác, nghề đậu bạc truyền thống đã dần bị mai một. Đến năm 1972, khi hợp tác xã giải thể, nghề này ở Định Công gần như biến mất hoàn toàn", ông Trường nhớ lại với giọng đầy tiếc nuối.

Hồi sinh sau hàng thập kỉ bị "ngủ quên"

Mang trong mình nhiều vết thương do bom đạn, thương binh Quách Văn Trường vẫn can đảm bước trên con đường khôi phục làng nghề. "Tham khảo thị trường kim hoàn, không thấy sản phẩm đậu bạc. Nhìn thấy cơ hội phát triển về kinh tế và để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, tôi tự mày mò sản xuất ra các sản phẩm đậu bạc "độc quyền" thời bấy giờ", ông Trường nhớ lại.

Làng nghề từng chế tác trang sức cho "vua chúa" bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 6.

Một số sản phẩm đậu bạc đặc biệt, trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân Quách Văn Trường. Ảnh: Kim Duyên.

Các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng đón nhận và vô cùng yêu thích, "sản phẩm ra đến đâu hết hàng đến đó". Nhận thấy sự phát triển của nghề, ông đã truyền nghề cho những người thân, con em trong làng có nhu cầu muốn học nghề, làm cơ sở sản xuất.

Nếu nghệ nhân Quách Văn Trường là người có công khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống, thì nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người lan tỏa, đưa sản phẩm đậu bạc đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Năm 2004, sản phẩm "Hộp tú cầu đậu bạc" đạt Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc. "Giải thưởng là đánh dấu bước đầu sản phẩm của nghề đậu bạc định công bước ra thị trường rộng lớn", nghệ nhân Quách Văn Hiểu cho biết.

Làng nghề từng chế tác trang sức cho "vua chúa" bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 7.

Lò nung bạc tại xưởng của anh Quách Phan Tuấn Anh. Ảnh: Kim Duyên.

Hiện nay, nghề đậu bạc Định Công dần lấy lại được vị trí và được nhiều người biết đến cũng như trân trọng giá trị thành phẩm. Để phát triển nghề truyền thống của gia đình nghệ nhân trẻ Quách Phan Tuấn Anh, là con trai nghệ nhân Quách Văn Trường đang nỗ lực, từng ngày tiếp nối những kỹ thuật nghề đậu bạc truyền thống của gia đình.

Anh cho hay, trước đây những người thợ làm nghề đậu bạc còn lo về thị trường thì đến nay đầu ra của các sản phẩm đã tương đối ổn định, người thợ nghề đã có thể an tâm làm ra nhiều sản phẩm mới, hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước nhiều hơn.

Làng nghề từng chế tác trang sức cho "vua chúa" bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 8.

Sản phẩm trâm cài của nghệ nhân Quách Văn Trường. Ảnh: Kim Duyên.

Cùng với đó, gia đình 2 nghệ nhân họ Quách mở các lớp dạy nghề cho tất cả những ai có niềm đam mê với đồ bạc, đặc biệt là kỹ thuật đậu bạc. Từ những lớp nghề đó, một thế hệ thợ đậu bạc Định Công nữa lại được ra đời, giúp khôi phục danh tiếng và phát triển hơn nữa làng nghề được mệnh danh là tinh hoa của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.