Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn: Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn (Bài 1)

LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số  922/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến 2025 mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận.

Vậy làm thế nào để các vùng nông thôn trở thành những điểm du lịch lý thú. Báo NTNN/điện tử Dân Việt xin đăng tải loạt bài "Khai mở tiềm năng du lịch thông thôn" để làm rõ vấn đề.

Vựa vải miền Bắc vào cuộc đua du lịch

2022 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) triển khai chương trình du lịch mùa vải thiều, nhưng ngay khi giới thiệu các tour, tuyến du lịch, Lục Ngạn đã trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Ngạn, tính từ cuối tháng 5 (thời điểm vải thiều sớm cho thu hoạch) đến cuối vụ (tháng 7), huyện Lục Ngạn đã đón hơn 400 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhóm du khách tự liên hệ với các hợp tác xã (HTX) du lịch trên địa bàn để tổ chức tour, tuyến tham quan, họp lớp, trải nghiệm mùa vải… Ước tính tổng số du khách đến huyện Lục Ngạn trong khoảng thời gian vải chín rộ là gần 30.000 người.

Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn (bài 1): Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn - Ảnh 1.

Du khách tham quan vườn vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: A.T

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.

Chia sẻ với phóng viên, anh Ngô Văn Hùng ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn) cho biết, nhờ có các đoàn khách du lịch đến thăm vườn mà anh bán được vải thiều với giá ổn định. "Cao điểm có những ngày tôi tiếp cả trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hoạt động hái vải và thưởng thức vải thiều tại vườn" - anh Hùng cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy huyện Lục Ngạn, ngay năm đầu tiên triển khai hoạt động du lịch mùa vải thiều nhưng nhiều công ty lữ hành lớn đã đi khảo sát các vùng vải thiều chất lượng cao, tổ chức đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm hái vải thiều, mua sản phẩm vải thiều của địa phương.

Đánh giá về tiềm năng du lịch nông thôn của huyện Lục Ngạn, Bí thư Nguyễn Việt Oanh rất tự tin, Lục Ngạn sẽ là một điểm đến tiềm năng, hút chân du khách.

Ông Oanh cho hay, theo định hướng của tỉnh, huyện Lục Ngạn đi theo hướng phát triển vùng cây ăn quả kết hợp du lịch miệt vườn sinh thái và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Trong 2 năm qua đã có 11 HTX về du lịch được cấp phép thành lập. Lục Ngạn có vùng trái cây, 4 mùa hoa thơm trái ngọt; có hệ thống hồ tuyệt đẹp với số lượng khoảng 200 hồ thủy nông, trong đó có những hồ diện tích rất lớn như hồ Cấm Sơn rộng 2.600ha, hồ Khuôn Thần được ví như "Hạ Long trên cạn". Huyện cũng quy hoạch bài bản để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với chuỗi sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho Lục Ngạn xây dựng tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 31, tuyến trục ngang kết nối từ Hạ Long (Quảng Ninh) đến Sơn Động, tạo thành tour - tuyến du lịch sinh thái.

"Lục Ngạn còn có diện tích rừng phong phú với 31.000ha, có 8 dân tộc anh em sinh sống với nhiều nét đẹp văn hóa chưa được khai thác, có các ngôi làng cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn, có các điệu dân ca say đắm lòng người" - ông Oanh tiết lộ.

Đã hình thành 365 điểm du lịch nông thôn

Khai mở tiềm năng du lịch nông thôn (bài 1): Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài tham gia tous một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: T.L

Theo Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt, mục tiêu đề ra là đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn, ít nhất có 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đã đạt tiêu chuẩn OCOP (tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm áp dụng cho 6 ngành hàng gắn với nông nghiệp trong đó có dịch vụ du lịch nông thôn) từ 3 "sao" trở lên, và có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, phải có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.

Trên thực tế, với hệ sinh thái đa dạng, 54 dân tộc anh em với những bản sắc văn hóa khác nhau, Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển các mô hình du lịch nông thôn. Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu - điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Một số loại hình du lịch nông thôn đang phát triển mạnh ở Việt Nam là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Ngoài ra, còn có các loại hình du lịch nông thôn khác như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…

Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 1.300 khu-điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo được nhiều công ăn việc làm cho nông dân, ít nhiều góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển mang tính chất tự phát. Theo chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ du lịch, có nhiều hình thức tổ chức khai thác du lịch nông thôn như: Hộ gia đình tự đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ du lịch, phổ biến theo các homestay (ở tại nhà dân) với việc thu hút du khách lưu trú tại gia đình, trải nghiệm nếp sống, văn hoá và ẩm thực cùng hộ gia đình. 

 Tiếp đó là hình thức cộng đồng đầu tư, quản lý, khai thác du lịch; bao gồm: Mô hình HTX, mô hình ban quản lý du lịch cộng đồng; mô hình tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp với năng lực hạn chế của cộng đồng; Mô hình hội quán du lịch cộng đồng, có sự phối hợp cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp; mô hình câu lạc bộ du lịch, bao gồm cả doanh nghiệp, cộng đồng cùng làm du lịch.

Đối với hình thức doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn, Bộ NNPTNT đánh giá đây là loại hình khá phổ biến, với sự tham gia của các doanh nghiệp ở quy mô và tính chất chuyên nghiệp khác nhau. Hình thức này ít nhiều có ý nghĩa trong việc cải thiện cảnh quan nông thôn, tạo việc làm cho lao động địa phương, tuy nhiên so với các hình thức khác ý nghĩa lan toả trong nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn không cao bằng. Một hình thức khai thác du lịch nông thôn khác đó là đầu tư trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch.

Là quốc gia hiện có gần 65,6% dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi không chỉ có cuộc sống yên bình, khung cảnh thiên nhiên sinh động, mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, Việt Nam có thế mạnh trong phát triển du lịch gắn với nông thôn. Do đó du lịch nông thôn được xem là một xu thế của ngành du lịch trong thời gian tới.