Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Hạnh phúc của việc học

Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay mới chỉ tập trung cho mục tiêu học để biết làm việc, thay vì hướng tới việc tận hưởng sự học.

Học là một cách để tận hưởng cuộc đời. Chúng ta có thể học để thấy cái hay, cái đẹp trong một lĩnh vực; để thấy sự sâu sắc và đồ sộ của một ngành học; để thấy sự phong phú và đa dạng của cuộc đời... Nhờ đó mà chúng ta có tầm nhìn rộng mở hơn, có tâm thế bao dung hơn, có những lựa chọn đúng đắn hơn, và có những đóng góp hiệu quả hơn cho công việc, cho xã hội.

Với mục đích của sự học là như thế, thì tôi nghĩ không còn có khái niệm "học trái ngành" hay "làm trái nghề", cũng không có khái niệm "chọn sai ngành" hay "làm sai nghề" nữa. Vấn đề chỉ là các sự trải nghiệm của mỗi người khác nhau, và càng về sau thì con người càng biết lựa chọn những trải nghiệm đúng đắn, phù hợp, đẹp đẽ hơn cho bản thân mình và cho xã hội.

Có bốn mục tiêu của một nền giáo dục mà UNESCO đã đưa ra, đó là:

- Học để biết cách học tập.

- Học để biết cách làm việc.

- Học để biết cách chung sống.

- Học để biết cách hạnh phúc.

Có vẻ như hệ thống đào tạo của chúng ta hiện nay mới chỉ tập trung cho mục tiêu thứ hai, đó là học để làm việc. Trong khi mỗi chúng ta trong cuộc đời thường chỉ tập trung cho mục tiêu thứ ba - chung sống với việc học. Và rồi, chúng ta bỏ lỡ mục tiêu đầu tiên cũng như mục tiêu cuối cùng.

Mục tiêu đầu tiên giúp chúng ta học tập một cách dễ dàng, với sự vui vẻ, hạnh phúc, và với chi phí thấp nhất có thể. Mục tiêu thứ tư giúp chúng ta đạt được điều mình cần một cách nhanh chóng, thay vì phải đi đường vòng qua rất nhiều khâu trung gian. Đúng là, với những ai đã có năng lực tự học thì việc "được tận hưởng trong khi học" và "học với chi phí về tiền bạc thấp" là điều dễ dàng. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.

>> Bất công xét tuyển học bạ

Dấn thân vào nghiên cứu giáo dục suốt nhiều năm, tôi nhận ra rằng, có nhiều người đã không kích hoạt được tiềm năng tự học của bản thân, thậm chí còn không biết đến hoặc không tin vào tiềm năng tự học của mình. Do đó, họ lệ thuộc nhiều vào sự chỉ dạy của những người đi trước (thầy cô giáo), để rồi dần mất đi từng phần sự tự chủ trong quá trình học, kéo theo cả những chi phí cho giáo dục cũng ngày một tăng cao.

Thực tế, không ai có thể "hoàn toàn tự học" mà thành tựu được, cho nên không thể tách rời việc "tự học" như là một phương pháp độc lập với việc "được học", "được chỉ dạy", "được dẫn dắt" trong một xã hội giàu có thông tin và nhiều sự chia sẻ như hiện nay.

Vấn đề là, nếu chúng ta biết tập trung vun đắp, bồi dưỡng năng lực tự học, và hạnh phúc trong quá trình học... thì chúng ta sẽ có nhiều lợi ích thiết thực. Lợi ích chính trong quá trình học, lợi ích vì ta học được sâu rộng hơn, lợi ích khi mang những gì học được ra ứng dụng vào công việc thực tiễn, và lợi ích khi có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm để chia sẻ lại cho các thế hệ sau.

Tôi chia sẻ những điều này không phải vì muốn tranh luận quan điểm với ai. Bởi ngay cái gọi là "quan điểm" cũng chính là thành tựu của sự học nơi mỗi người. Tôi chia sẻ vì mong muốn những độc giả khác có thể có thêm một góc nhìn, và do đó làm giàu hơn cơ hội lựa chọn nơi bản thân họ.

Từ Huy

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.