Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Hai biến chủng phụ Omicron nguy hiểm thế nào

BA.2.74 - mới xâm nhập vào Việt Nam và BA.2.75 hoàn thiện hơn về mặt di truyền, có khả năng trốn tránh miễn dịch và bám vào tế bào hiệu quả hơn chủng cũ.

BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến chủng phụ thế hệ thứ hai của BA.2 (Omicron), được phát hiện ở Ấn Độ. Theo các chuyên gia, cả ba biến chủng này hoàn thiện và dễ lây lan hơn BA.5. Chúng có thể là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại Ấn Độ tăng liên tục kể từ giữa tháng 6.

Trong 10 ngày đầu tháng 7, Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 298 ca nhiễm BA.2.76, 216 người nhiễm BA.2.74 và 46 trường hợp BA.2.75.

Tại Việt Nam, biến chủng mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, hôm 8/8.

Trong số ba biến chủng, các nhà khoa học đặc biệt chú ý đến BA.2.75 do một số đột biến nhất định giúp nó né tránh kháng thể, liên kết tốt với tế bào người. BA.2.75 cũng đang lan rộng tại Mỹ, Canada và Nhật Bản.

"Chúng tôi đang tìm hiểu vì sao BA.2 chủ yếu gây ra làn sóng vào tháng 1, vẫn có thể tiến hóa và tái hoàn thiện vào tháng 6. BA.2.75 có hơn 80 đột biến, trong khi BA.2 có khoảng 60", các nhà khoa học tại Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ Tất cả Dữ liệu Bệnh cúm (INSACOG) cho biết.

Bộ ba biến chủng phụ mới cũng cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của nCoV. Theo INSACOG, cộng đồng hầu như đã phát triển miễn dịch với BA.2. Tuy nhiên, bộ ba biến chủng mới có sự thay đổi về kháng nguyên, khiến chúng thích nghi và dễ dàng lây nhiễm hơn. Điều này giải thích nguyên nhân đằng sau các ca tái nhiễm hoặc nhiễm nCoV đột phá ở Ấn Độ. Dù vậy, các biến chủng thế hệ hai vẫn là "con đẻ" của BA.2. Chúng không thể chống lại miễn dịch bền vững từ tế bào T ở người.

Hình ảnh hiển vi cho thấy nCoV (màu vàng) đang xâm nhập tế bào người. Ảnh: NIAID

Hình ảnh hiển vi cho thấy nCoV (màu vàng) đang xâm nhập tế bào người. Ảnh: NIAID

Các biến chủng mới nguy hiểm ra sao so với BA.5

Hiện nay, BA.5 vẫn là biến chủng chiếm ưu thế toàn cầu. Nó chiếm 52% trong thư viện trình tự gene. Hàng loạt kết quả nghiên cứu chứng minh rằng BA.5 dường như là phiên bản lây nhiễm mạnh nhất của nCoV cho đến thời điểm hiện tại, với hệ số lây nhiễm R0 là 18,6 (tức là cứ một F0 sẽ tạo ra 18,6 người bệnh khác, lây nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp).

Khả năng trốn tránh miễn dịch cho phép BA.5 trở thành chủng trội một cách nhanh chóng. Báo cáo từ New York cho thấy tỷ lệ nhiễm đột phát của BA.5 gấp BA.1 khoảng 4,2 lần.

Tuy nhiên, BA2.75 sở hữu thêm 9 đột biến khác biệt với BA.5, có khả năng trốn tránh miễn dịch hiệu quả hơn. Tom Peacock, chuyên gia virus tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, cũng cho biết protein gai của virus có một số đột biến chính, giúp nó phát triển nhanh chóng và phân bố rộng rãi.

Các đột biến quan trọng của biến chủng là G446S, Q493R.

Trong đó, G446S là một trong những đột biến có lợi thế trốn tránh miễn dịch mạnh mẽ. Nó có thể làm giảm hiệu quả của các loại vaccine ngăn ngừa BA.2. Dù vậy, người từng nhiễm biến chủng BA.1 sẽ không có nguy cơ tái nhiễm BA.2.75.

Đột biến Q493R (xuất hiện cả trong BA.2.75 và BA.2.74) làm tăng khả năng bám vào thụ thể ACE2 của virus. Đây là loại protein mà nCoV sử dụng để xâm nhập tế bào. Đột biến khác trong BA.2.75 là N460K cũng làm tăng khả năng bám dính của virus.

Khi các mẫu trình tự gene virus còn ít, BA.2.75 vẫn thu hút được sự chú ý trong cộng đồng. Đây là biến chủng thế hệ thứ hai đầu tiên lây truyền thành công ở một quốc gia do các đột biến điển hình và lợi thế tăng trưởng đáng kể.

Các chuyên gia cho rằng việc giám sát theo dõi biến chủng là rất quan trọng. Các nước cần điều tra về sự phát triển của nó càng sớm càng tốt. Họ cũng cảnh báo virus sẽ có những thay đổi về di truyền phức tạp hơn, xuất hiện trong quá trình chuyển hóa tiếp theo.

Thục Linh (Theo Medical News Today, Time of India)