Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Dầu Nga sắp đối mặt với phép thử lớn

Lệnh cấm của châu Âu có hiệu lực tháng 12, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, sẽ là thách thức thực sự với các hãng dầu Nga.

Nga đã vượt qua dự báo u ám của thế giới về việc sản xuất dầu sụp đổ sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, Moskva sẽ phải nỗ lực gấp đôi để tìm người mua mới nếu không muốn sản lượng co lại.

Khi xung đột tại Ukraine mới nổ ra, sản xuất dầu của Nga lao dốc ngay sau đó. Tuy nhiên, 3 tháng qua, sản lượng dần phục hồi khi hoạt động lọc dầu trong nước bùng nổ và khách mua châu Á thế chân châu Âu. Dù vậy, lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu có hiệu lực cuối năm nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, sẽ là thách thức thực sự với các hãng dầu nước này.

"Các hãng dầu Nga đã hưởng lợi từ mùa hè – thời điểm nhu cầu trong nước tăng vọt và các lệnh cấm vận của châu Âu chưa có hiệu lực, giúp họ tăng tốc sản xuất", Viktor Katona – Giám đốc phân tích dầu thô tại hãng dữ liệu Kpler cho biết, "Nhưng trong tương lai, điều này sẽ thay đổi".

Dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển theo từng tuần từ cuối tháng 1. Biểu đồ: Bloomberg

Dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển theo từng tuần từ cuối tháng 1. Biểu đồ: Bloomberg

Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ Nga đã chạm 10,8 triệu thùng một ngày trong tháng 7. Đây là mức cao nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Con số này có thể về 10,5 triệu thùng một ngày khi lệnh cấm của EU có hiệu lực vào tháng 12, Katona cho biết. Các nhà phân tích tại Rystad Energy thì dự báo sản lượng sẽ xuống 10,1 triệu thùng vào cuối năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng đầu năm 2023, mức giảm sẽ lên tới 2 triệu thùng một ngày. IEA ước tính lệnh cấm dầu thô của châu Âu, có hiệu lực từ tháng 12, sẽ khiến khoảng 1,3 triệu thùng dầu rời thị trường châu Âu mỗi ngày. Lệnh cấm các sản phẩm từ dầu, có hiệu lực từ tháng 2/2023, có thể cắt giảm thêm 1 triệu thùng nữa mỗi ngày.

Nhiều người mua truyền thống đã từ chối nhận dầu Nga, khiến Moskva phải chuyển hướng bán dầu sang châu Á với giá rẻ. Theo dữ liệu theo dõi dầu biển mà Bloomberg có được, năm nay, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga sang châu Á tăng 800.000 thùng một ngày.

Tuy nhiên, họ không thể chỉ phụ thuộc vào châu Á để bù đắp toàn bộ số dầu bán cho châu Âu khi lệnh cấm vận có hiệu lực, các nhà phân tích tại Kpler, Rystad và BCS Global Markets cho biết. "Trong ngắn hạn, châu Á đã làm gần hết khả năng rồi", Ron Smith – nhà phân tích tại BCS cho biết.

Sergei Vakulenko – chuyên gia độc lập với hơn 25 năm nghiên cứu ngành dầu Nga cho rằng kịch bản tệ nhất là sản lượng Nga sẽ giảm tương đương phần đang bán sang châu Âu bằng đường biển hiện tại. Tuy nhiên, việc này không thể xảy ra. Ông dự báo các hãng buôn vẫn sẽ tìm được người mua số dầu này, do năng lực sản xuất dự phòng của nhiều nơi vẫn thiếu. Sản lượng dầu Nga vì thế sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm.

Kirill Bakhtin – chuyên gia phân tích dầu khí tại Sinara Bank cũng có nhận định tương tự. "Chúng tôi cho rằng sản xuất dầu của Nga sẽ ổn định ở mức 10,8 triệu thùng một ngày cho đến tháng 2/2023", nhờ nỗ lực chuyển hướng dầu từ châu Âu sang châu Á.

Trong vài tuần đầu tháng này, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đạt trung bình 10,47 triệu thùng một ngày, theo tờ Kommersant. Mức này giảm 3% so với tháng 7, có thể do yếu tố mùa vụ, chứ không phải do nguyên nhân dài hạn như lệnh trừng phạt. Phần lớn mức giảm cung là do nhóm công ty dầu nhỏ hơn.

Xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga gần đây giảm so với đỉnh đầu năm. Tuy nhiên, các hãng dầu lại hưởng lợi nhờ hoạt động lọc dầu trong nước tăng do nhu cầu nhiên liệu cao cả nội địa và quốc tế.

Dù vậy, đến cuối năm nay, các loại dầu nặng của Nga có thể sẽ khó bán hơn trong mùa đông. Các sản phẩm từ dầu nhẹ thì có thể vẫn tìm được thị trường ở châu Âu trước khi lệnh cấm tháng 2 của EU có hiệu lực.

Đầu năm nay, Moskva vẫn tìm được người mua từ Trung Đông sau khi Washington áp lệnh cấm dầu Nga. Tuy nhiên, nhu cầu từ khu vực này có thể giảm khi thời tiết lạnh, làm giảm khả năng Nga xuất khẩu các sản phẩm từ dầu nặng, Mikhail Turukalov - CEO Commodities Markets Analytics cho biết.

Trong các tháng mùa đông, Nga cũng thiếu năng lực logistics cần thiết để tăng xuất khẩu dầu mazut. "Mùa đông này, việc sản xuất dầu tại Nga sẽ khó tăng đủ để bù vào phần xuất khẩu giảm đi", Turukalov kết luận.

Hà Thu (theo Bloomberg)