Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Cựu chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kêu oan trong vụ nhận hối lộ

Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã nhận đơn kháng cáo của 8 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, biên phòng, công an khu vực phía Nam.

Trong đó, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Nguyễn Văn An (em họ Thế Anh) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án Quân sự Trung ương đánh giá lại vụ án, xem xét lại các lời khai và các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm.

Cựu chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kêu oan trong vụ nhận hối lộ - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTQS

Nhóm 6 người khác xin giảm nhẹ hình phạt gồm cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh, nguyên Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4; Phạm Văn Trên, cựu đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Văn Hùng, cựu thượng tá, Đồn trưởng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa tỉnh Trà Vinh; Phạm Hồ Hải, Trưởng đại diện cảng Cần Thơ tại Trà Vinh; Lê Văn Phương, cựu thượng tá, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thanh Lâm, cựu trung tá, Hải đội trưởng thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng.

Nhóm này thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn, hối hận, nhận thức được hành vi sai phạm và hứa sau khi cải tạo sẽ trở thành những công dân tốt, tích cực cống hiến cho xã hội. Họ cũng mong được xem xét các tình tiết giảm nhẹ như có nhiều cống hiến trong công tác, gia đình có công với cách mạng, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả...

Trước đó, tối 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên án sơ thẩm với 14 bị cáo trong vụ và xác định, năm 2019, "trùm" buôn lậu Phan Thanh Hữu và đồng phạm móc nối, đề nghị đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát biển góp 5 tỷ đồng làm vốn buôn lậu xăng và được đồng ý. Nhóm này tiêu thụ thành công hơn 196 triệu lít xăng trị giá gần 2.800 tỷ đồng.

Qua đây, Hữu được hưởng lợi bất chính hơn 105 tỷ đồng, hiện ông ta và đồng phạm bị các cơ quan tố tụng dân sự xử lý. Còn đại tá Phùng Danh Thoại được chia hơn 22,3 tỷ đồng.

Để có thể buôn lậu xăng dầu số lượng lớn trong thời gian dài, Hữu phải chi hối lộ hằng tháng cho cán bộ trong các lực lượng hải quan, công an, cảnh sát biển, biên phòng…

Bảo kê buôn lậu xăng

Trong đó, cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh do quen biết từ trước nên giúp Hữu buôn lậu bằng cách báo "tọa độ an toàn" để tàu chở hàng không bị kiểm tra. Đổi lại, Hữu chi cho bị cáo Minh 450 triệu đồng/tháng giai đoạn từ tháng 12/2019 – 8/2020 và 500 triệu đồng/tháng giai đoạn tháng 9/2020 – 1/2021, tổng cộng 6,9 tỷ đồng.

Cựu chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kêu oan trong vụ nhận hối lộ - Ảnh 2.

Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh tại tòa sơ thẩm. Ảnh: TTQS

Lê Văn Minh còn giới thiệu Hữu tới người đồng cấp của mình, tức Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3. Bị cáo Thanh cũng giúp nhóm buôn lậu bằng cách "không kiểm tra, xử lý" và được nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng. Số tiền này được Hữu đưa cho bị cáo Phan Thị Xuân (vợ ông Thanh).

Cũng theo án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Hùng, nguyên Đồn trưởng Trường Long Hòa, Biên phòng tỉnh Trà Vinh cũng được Phan Thanh Hữu nhờ "giúp đỡ" với giá 500 triệu đồng/tháng trong giai đoạn tháng 9/2019 – 2/2020.

Sau tháng 2/2020, Hùng dùng một phần trong số 500 triệu đồng hằng tháng do Hữu đưa để hối lộ Phạm Văn Trên, Chỉ huy Biên phòng tỉnh Trà Vinh, 100 triệu đồng/tháng; Lê Văn Phương, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Trà Vinh và Phạm Hồ Hải, đại diện cảng Cần Thơ tại Trà Vinh cùng mức 30 triệu đồng/tháng.

Như vậy, tổng số tiền đồn trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận hối lộ là hơn 6,3 tỷ đồng; Phạm Văn Trên 1 tỷ đồng; Phương 360 triệu đồng và Hải 330 triệu đồng.

Cựu chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kêu oan trong vụ nhận hối lộ - Ảnh 3.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: X.A

Bị cáo khác, cựu Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đại tá Nguyễn Thế Anh dù kêu oan, nói bị ép cung nhưng cấp sơ thẩm xác định ông ta nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu 6,2 tỷ đồng cùng 560.000USD. Số tiền này, Thế Anh không trực tiếp nhận mà nhờ em họ mình, bị cáo Nguyễn Văn An lấy giúp.

Sau khi Hữu bị Công an Đồng Nai bắt, Thế Anh đưa tiền, tổ chức cho An trốn sang Lào. Bị cáo Cao Phước Hoài (anh vợ An) bị xác định biết nhóm Thế Anh nhận tiền hối lộ nhưng không tố giác.

Các bị cáo khác thuộc cảnh sát biển, biên phòng cũng bị tòa quân sự xác định nhận hối lộ để bỏ qua hoặc "làm không hết trách nhiệm", giúp nhóm của Hữu buôn lậu xăng số lượng lớn trong thời gian dài.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức dù nhận thức rõ nhưng vẫn thực hiện nên phải chịu trách nhiệm.