Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Cơ quan định giá đất nên là cơ quan tài chính

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thu tài chính từ đất đai được bổ sung; việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề tập trung, tích tụ đất đai; các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…

Tại hội thảo, đại biểu 25 tỉnh, thành khu vực miền Bắc cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về nội dung việc ban hành Luật, về thể thức đảm bảo thống nhất của Chương, Điều, khoản… và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở nền tảng Luật Đất đai năm 2013.

Theo đó, Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang vướng mắc tại điều 46, điểm 4 về Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong luật quy định là các tỉnh phải bố trí tiền sử dụng đất để xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính. Nhưng thực tế, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, kinh phí 10% dành ra để làm cơ sở dữ liệu đất đai rất khó khăn, hầu như là không có”.

Ngoài ra, ông Côi cũng kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện mà chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

Đóng góp tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hải Phòng - Lê Anh Quân cho rằng về vấn đề sử dụng đất quốc phòng an ninh, khi thực hiện thu hồi thì việc thực hiện theo Luật Đất đai còn phải thực hiện theo quy định về đất quốc phòng, an ninh, quản lý sử dụng tài sản công còn mất khá nhiều thời gian. Vậy nên, Tp. Hải Phòng đề nghị cần quy định đất quốc phòng như các loại đất khác để bảo đảm tiến độ, thời gian phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề xác định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, ông Quân cho rằng trước hết phải xác định thế nào là giá đất phổ biến, thế nào là đúng quy định của pháp luật.

“Bảng giá đất cần quy định cụ thể hơn theo hướng là xây dựng bảng giá đất 5 năm một lần, chứ không phải là hằng năm vì sẽ mất rất nhiều thời gian và khó khăn. Hằng năm chúng ta sẽ điều chỉnh giá đất theo hệ số, và quy định rõ hơn về các trường hợp đất cụ thể”, ông Quân đề xuất thêm.

Chính sách - Cơ quan định giá đất nên là cơ quan tài chính

Quang cảnh hội thảo 

Đại diện Hà Nội, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hà Nội đề xuất cơ quan định giá đất nên là cơ quan tài chính. Trường hợp nếu cơ quan định giá không phải cơ quan nhà nước thì nên xác định cơ quan độc lập, còn là cơ quan nhà nước thì nên là cơ quan tài chính chứ không là cơ quan Tài nguyên môi trường.

Lý giải cho điều này, ông Cường khẳng định về việc cung cấp thông tin về các thửa đất, các cơ quan Tài nguyên môi trường có thể cung cấp được nhưng xét về mặt xác định, tính toán các cơ quan tài chính sẽ sát sao hơn cả.

Ông Cường cũng đề xuất quyết định thu hồi đất và quyết định phương án bồi thường có thể nên trong cùng một thời điểm, quyết định giá đất nên có hiệu lực trong 12 tháng. Bởi lẽ, khi thực hiện một dự án cần thu hồi đất của rất nhiều hộ gia đình, chính vì vậy hiệu lực của giá bồi thường nên có độ trễ trong vòng 12 tháng, sau 12 tháng sẽ thực hiện việc xác định lại giá để phù hợp với biến động thị trường.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá những hội thảo lấy ý kiến Luật đất đai (sửa đổi) vừa rồi thực tế đã truyền tải được các vấn đề đất đai xuống các địa phương, những ý kiến của các đại biểu được nêu lên rõ ràng,...

Bộ trưởng cho biết về việc dự án Luật lần này giao quyền, phân cấp quyền cho địa phương rất nhiều, do đó, đề nghị địa phương cần nghiên cứu kỹ để có thể bảo đảm quản lý được chặt chẽ các số liệu thông tin về các loại đất đai trên địa bàn quản lý.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành địa phương tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên và môi trường cùng phân tích, đưa những vấn đề nổi cộm về đất đai để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội vào tháng 10/2022.