Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Có nhất thiết phải phụ thuộc sách giáo khoa?

Những ngày gần đây, câu chuyện về sách giáo khoa trở nên nóng hổi, liên tục được đăng tải trên các mặt báo. Nguyên nhân là do còn chưa đầy một tháng nữa năm học 2022-2023 chính thức bắt đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại, các trường vẫn chưa nhận được sách giáo khoa đặt mua từ đơn vị cung ứng.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh tất tả chạy khắp các nhà sách may chăng thì mua đủ bộ sách, còn không đành tiếp tục chờ đợi. Hầu hết đều than thở: Nhà sách chủ yếu phát hành bộ Chân trời sáng tạo, còn bộ Cánh diều và Kết nối tri thức và cuộc sống thì không có nhiều dù đầu sách các trường chọn lại trộn lẫn giữa các bộ này.

Phụ huynh hãy bình tĩnh

Trao đổi với Dân Việt, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) chia sẻ, phụ huynh, học sinh hãy bình tĩnh nếu đến nay vẫn chưa mua được sách giáo khoa cho năm học mới.

Có nhất thiết phải phụ thuộc Sách giáo khoa? - Ảnh 1.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM). Ảnh: FBNV

Theo thầy Phú, nhà xuất bản sẽ có trách nhiệm in sách, phát hành để phục vụ việc giảng dạy, học tập. Việc phát hành nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng một điều chắc chắn là sẽ cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh.

Thêm vào đó, mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục sẽ lựa chọn bộ sách khác nhau để giảng dạy. Sách giáo khoa được lựa chọn cũng không theo từng bộ mà trộn lẫn giữa các bộ Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống và Cánh diều. Chưa kể, nhiều trường chọn môn thể dục bài 1 ở sách Cánh diều nhưng bài 2 lại chọn ở bộ Kết nối tri thức... Do đó, nếu phụ huynh tự đi mua sách, nhiều khi sẽ không đúng bộ sách trường chọn. Đôi khi còn lãng phí bởi nếu mua nguyên bộ sẽ có nhiều sách không sử dụng đến.

Do đó, thầy Phú cho rằng phụ huynh không cần thiết phải nóng vội, phải đi mua sách giáo khoa ngay bây giờ vì còn gần một tháng nữa năm học mới bắt đầu. Khi học sinh nhập học, thầy cô sẽ hướng dẫn cho học sinh các bộ sách mà trường, tổ bộ môn sử dụng. Như vậy, học sinh, phụ huynh vừa mua được sách tương thích với nội dung thầy cô giảng dạy, vừa tránh lãng phí khi mua không trùng với đầu sách trường chọn.

Thay đổi lối mòn

Cũng theo thầy Phú, hiện nay ở cấp tiểu học, THCS, cứ vào thời điểm nghỉ hè là ban đại diện cha mẹ học sinh lại mua sách giáo khoa để tặng cho học sinh. Lâu dần đã tạo thành tiền lệ, nghỉ hè là học sinh phải có sách. Ở độ tuổi này, các em chưa có kỹ năng để tìm các nguồn tài liệu phục vụ cho việc học, nhu cầu về sách giáo khoa là tất yếu.

Có nhất thiết phải phụ thuộc Sách giáo khoa? - Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh chưa mua đủ bộ sách giáo khoa cho con trong năm học mới. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tuy nhiên, riêng đối với học sinh vào lớp 10, sau khoảng thời gian dài ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các em đã quen việc học, việc tìm tư liệu trên nền tảng internet. Đến nay, khi dịch bệnh đã ổn định, tại sao không kế thừa những gì đã trải qua trong thời gian dịch bệnh, để phát triển hơn nữa mà quay trở lại với lối mòn?

"Phụ huynh, giáo viên cần giáo dục con em mình tính kế thừa. Quá trình học tập trên nền tảng internet, trên không gian mạng, qua các thiết bị như smartphone, máy tính... các em đã làm rất tốt, thì bây giờ nên kế thừa, tiếp tục sử dụng công nghệ để học tập. Các em nên thay đổi, nên thiết lập phương thức học tập mới trên nền tảng công nghệ để hội nhập với xu hướng chung", thầy Phú nói.

Cũng theo thầy Phú, nếu không biến smartphone thành phương tiện học tập, thành cuốn sách đa năng, thành thư viện... để khai thác tối đa kiến thức trên không gian mạng, phục vụ công việc học tập thì học sinh rất dễ biến nó thành công cụ để chơi game, sa đà vào mạng xã hội... dẫn đến lơ là chuyện học hành. Đây là việc rất tai hại.

Tại Trường THPT Nguyễn Du, thầy Phú cho biết, nhà trường sẽ thông báo danh mục sách cho học sinh khi các em tựu trường. Trong đó, nhà trường đưa ra 3 hình thức: Một là danh mục các đầu sách giáo khoa, hai là tài liệu học tập/đề cương do giáo viên biên soạn. Cuối cùng là tài liệu học tập trên không gian mạng. Cả ba hình thức này đều tương đồng nhau, đều là kiến thức trong các chương trình thầy cô sẽ giảng dạy. Tuy nhiên, tài liệu trên không gian mạng sẽ phong phú hơn rất nhiều.

Ngày 11/8, thông tin từ Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXBGDVN) cho biết, hiện tại sách giáo khoa các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12 theo chương trình hiện hành đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản. Đối với sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới, đến nay NXBGDVN đã hoàn thành việc in, nhập kho được 46,8 triệu bản. Đối với sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, NXBGDVN đã cung ứng tới các địa phương hơn 40 triệu bản sách.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai áp dụng sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo chương trình GDPT 2018. Các NXB có sách giáo khoa được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ nhu cầu của GV, HS theo số lượng các địa phương đăng ký. Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với NXBGDVN trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.

Đặc biệt đối với sách giáo khoa lớp 10, ở nhiều môn học HS sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.