Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Chuyện gì xảy đến với 600 du khách, chờ gần 10 tiếng mới được nhận phòng khách sạn

600 khách lưu trú khách sạn 5 sao Sài Gòn, tới 11h đêm mới được nhận phòng

Những ngày hè cao điểm, du lịch nội địa luôn trong tình trạng quá tải, những điểm đến, sân bay, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ luôn chật kín người và phải xếp hàng chờ đợi trong nhiều giờ. Điều này cho thấy, ngành du lịch đang phục hồi khá nhanh sau hai năm "đóng băng", bị tê liệt vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên đi kèm với tín hiệu tích cực thì mặt tiêu cực cũng đang xảy ra. Những câu chuyện chặt chém khách hàng, thái độ phục vụ tại  nhà hàng, nhân viên khách sạn cầm dao lùa khách...những sự cố, vấn nạn bất cập muôn thuở của du lịch được diễn ra. Bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam được diễn ra tại TP.HCM ngày 8/8: "Mặc dù du lịch nội địa đang trên đà phục hồi tốt, thế nhưng nhiều nơi bị quá tải dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng kịp. 

Chưa kể sau hai năm dịch, nguồn nhân lực này đã phải bỏ nghề, chuyển sang nghề khác và không quay lại với du lịch. Vì vậy nguồn nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp nhu cầu".

600 khách tới khách sạn 5 sao Sài Gòn, tới 11h đêm mới được nhận phòng - Ảnh 1.

Khách du lịch đông đúc, nhộn nhịp tại khu vực trung tâm TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Lan cho biết, công ty của bà tổ chức cho đoàn khách MICE 600 người đến TP.HCM, lưu trú tại một khách sạn 5 sao nhưng phải tới 11h đêm mới có phòng cho khách. Nguyên nhân không phải hết phòng mà là không có người dọn phòng.

"Phòng có nhưng người dọn phòng lại không, nguyên tắc là chưa dọn phòng thì khách chưa thể nhận phòng", bà Lan nói.

Tình trạng quá tải trong ngành du lịch cũng xảy ra tại nhiều địa phương. Đó là lý do mà có hiện tượng công ty du lịch không dám nhận khách vì không cung cấp được dịch vụ.

Theo bà Cao Thị Tuyết Lan ngành du lịch hiện nay chỉ tập trung vào một số điểm đến như: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Cát Bà...dẫn đến quá tải, thay vì vậy, cần quảng bá, thu hút du khách ở các điểm đến khác để phát triển đồng đều hơn. Điều này đòi hỏi cần có sự liên kết của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Phân tích thêm sự phục hồi nhanh của ngành du lịch, bà Cao Thị Tuyết Lan cho hay nhu cầu du lịch sẽ tiếp tục sôi động trong giai đoạn nửa cuối năm nay và đầu năm sau. Tuy nhiên đó vẫn đang là thị trường du lịch nội địa, còn thị trường quốc tế vẫn đang là bài toán khó cho những người làm du lịch.

Giải pháp nào để thu hút khách quốc tế?

Đồng quan điểm với bà Cao Thị Tuyết Lan về thị trường quốc tế, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Travel Mart, cho rằng với lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm khó có thể hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.

Ông kiến nghị cần sớm trao đổi với cơ quan ngoại gia các nước, nhất là một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… về mở cửa song phương, đón khách quốc tế. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, trước đây mỗi ngày có 10 chuyến bay đưa khách từ Hàn Quốc sang nhưng nay chỉ có 2 chuyến mỗi ngày.

600 khách tới khách sạn 5 sao Sài Gòn, tới 11h đêm mới được nhận phòng - Ảnh 3.

Khách du lịch nước ngoài tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Ông đề xuất cần có cơ chế về xúc tiến vùng, bởi thời gian qua, hoạt động liên kết diễn ra rầm rộ nhưng cơ chế trong việc xúc tiến du lịch vùng vẫn chưa được thuận lợi. Các địa phương vẫn có tâm lý xúc tiến cho du lịch trong tỉnh, thiếu sự liên kết thực sự.

Ông cho rằng từ Trung ương đến địa phương cần sớm có các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng như hoàn thiện các vướng mắc hiện nay, bởi lượt tìm kiếm du lịch Việt Nam tăng cao, đứng top đầu thế giới. Đây sẽ là cơ hội cho du lịch Việt Nam trở lại đường đua đón khách quốc tế.

Còn bà Cao Thị Tuyết Lan kiến nghị, trong giai đoạn phục hồi hiện nay, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu thị trường. 

Theo bà, chính sách giảm thuế áp dụng với các doanh nghiệp du lịch nên kéo dài ít nhất 3-4 năm tới để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP.HCM phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức Diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam 2022 có chủ đề: Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 8-9/8 tới tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập), TP.HCM.

Sự kiện nhằm tìm kiếm các giải thu hút khách quốc tế, phát triển toàn diện ngành du lịch Việt Nam sau Covid-19.