Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

“Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển”

Giá đất tăng “phi mã”

Thời gian qua, thị trường bất động sản tại một số địa phương trên địa bàn huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu loạn giá đất ngay sau khi có thông tin dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột nhằm kết nối “rừng và biển”. 

Trong vai một người đi mua đất, PV Người Đưa Tin tìm đến thôn Nam Thắng (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) – nơi dự kiến là điểm cuối của đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma thuột, giao với đường tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột (cách đường Quốc lộ 26 khoảng 4-5km).

Bất động sản - “Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển”

Biển giao bán đất có mặt khắp nơi. 

Theo ghi nhận của PV, trên khắp các ngã đường tại khu vực này hiện hữu hàng loạt biển giao bán đất.

Tại đây, khi PV đặt vấn đề có nhu cầu mua đất nông nghiệp để đầu tư thì một người đàn ông tên T. cho biết, hiện ông có 5,9 sào đất rẫy nằm trên trục đường liên thôn xã Hòa Đông (thuộc thôn Nam Thắng), cách nút giao dự kiến của đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột khoảng vài trăm mét) đang giao bán với giá 7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông T. còn cho hay, gia đình ông có một lô đất nông nghiệp khác, diệc tích 5 sào cũng gần khu vực này đang giao bán với giá 6 tỷ đồng.

Bất động sản - “Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển” (Hình 2).

Người đàn ông tên T. cho biết, đang giao bán 5,9 sào đất rẫy (cách nút giao dự kiến của đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vài trăm mét) với giá 7 tỷ đồng.

Theo ông T., giá đất “sốt” lên trong thời gian gần đây do có thông tin làm đường cao tốc và đường tránh Đông chạy qua. Thời gian gần đây, có rất nhiều người vào khu vực này để hỏi mua đất. Đồng thời, khu vực này cũng được giới bất động sản, môi giới quan tâm, rao bán với giá cao.

Trong lúc PV đang trao đổi với ông T., thì một người phụ nữ chạy xe máy lưu thông qua đoạn đường này dừng lại và cho biết, người thân của bà cũng có một lô đất rẫy nằm tại khu vực này và đang giao bán với giá hàng tỷ đồng/sào.

Bất động sản - “Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển” (Hình 3).

Một người dân cho biết, có nhiều người đến khu vực thôn Nam Thắng, xã Hòa Đông hỏi mua lắm nhưng giá cao nên không nổi. 

Ngay sau cuộc trò chuyện với ông T., PV tiếp tục di chuyển thêm chưa đầy 100m nữa thì gặp một người đàn ông khác. Người này cho biết, tại đây một hộ dân đang giao bán lô đấy rẫy hơn 5,7 sào đối diện với dự án đường tránh Đông và cách đường cao tốc khoảng 200m, với giá 1,6 tỷ đồng/sào.

Ngay bên cạnh lô đất này, còn 2 sào đất nông nghiệp (chiều dài mặt đường 60m, sâu khoảng 30m) của chủ khác cũng được nhiều người vào trả giá 3,5 tỷ đồng nhưng chủ đất vẫn chưa đồng ý bán.

Người đàn ông nói trên còn cho hay, có một lô đất rẫy khác diện tích 7 sào nơi dự kiến có dự án đường tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột đi qua, người dân giao bán và được nhiều người trả giá 6 tỷ đồng (bao gồm cả tiền đền bù).

Người dân này cũng cho hay, trước khi có thông tin làm đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và đường tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột, đất ở khu vực này có giá 450 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, sau khi có thông tin làm đường, giá đất tăng chóng mặt. “Có nhiều người hỏi mua lắm nhưng đất ở đây hỏi cho vui chứ mua không nổi đâu”, người đàn ông nói.

Bất động sản - “Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển” (Hình 4).

Một người đàn ông trong nhóm môi giới bất động sản thừa nhận, người dân giao bán đất với giá cao nhưng không bán được vì giá đất đã chựng lại.

Rời đến một vị trí khác, PV đang liên hệ với số điện thoại ghi trong tờ giấy giao bán đất thì lập tức có một nhóm người chạy đến. Người đàn ông tên Đ. trong nhóm này cho hay, tại khu vực này đất có thổ cư đang được giao bán giá 260m/m, còn đất nông nghiệp giá 140 triệu/m chiều ngang.

Thậm chí, đã có trường hợp giao dịch 2 tỷ đồng/sào ngay nút giao dự kiến của đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đường tránh phía Đông Buôn Ma Thuột.

Ông Đ. cũng cho biết, ngay tại khu vực mà PV đang đứng có một lô đất rẫy 3 sào (ngang 26m, dài hơn 100m) đang bán với giá 1 tỷ đồng/sào. Bên cạnh đó, có 5 lô đất (đã có thổ cư) liền kề, diện tích 5x30m/lô giao bán giá 920 triệu đồng/lô. Ông Đ. khẳng định, đây là giá trực tiếp người dân bán ra chứ không phải nhà đầu tư.

“Thị trường đất ở khu này đang “hót” do đường Hồ Chí Minh băng qua và gần nút giao đường cao tốc. Trước đây, người dân giao bán đất đầy. Sau khi nghe làm đường, người ta giữ đất hết rồi, đâu có bán nữa đâu. Tuy nhiên, giao vậy thôi chứ giá cao, có bán được đâu. Hiện nay, giá đất đã chựng lại, lượng giao dịch không có mấy nữa”, nông Đ. chia sẻ.

Sẽ tuyên truyền cho người dân, tránh “thổi” giá đất

Tương tự, tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) - nơi dự kiến có đường dẫn ra vào cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, một người thanh niên tên S. cho biết, gia đình anh đang bán một lô đất chính chủ gần đường dẫn ra vào cao tốc.

“Khoảng 2 tháng trước, người đi mua đất còn nhiều còn hơn người đi làm. Em có gần 1ha, nhiều người hỏi mua nhưng em chưa bán. Hiện nay, em giao với giá 120 triệu/1 sào. Đất của em gần cao tốc nên em bán giá này, còn cách xa đó người ta bán giá 100 triệu/1 sào”, thanh niên tên S. nói.

Đáng nói, người này cũng cho biết, lô đất của gia đình mình chưa có sổ nên mới có “giá mềm” như vậy. Chứ đất có sổ có giá từ 160-170 triệu đồng/sào.

Bất động sản - “Bong bóng” bất động sản ăn theo cao tốc kết nối “rừng và biển” (Hình 5).

Thanh niên tên S. cho biết, khoảng 2 tháng trước, người đi mua đất nhiều còn hơn người đi làm.

Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết, sau Tết, giá đất “bong bóng” diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh chứ không riêng gì xã Vụ Bổn. “Bong bóng” đi qua, hiện chưa có thông tin về việc “vỡ nợ” sau “sốt” đất nhưng hiện nay giá đất tăng nhiều lần so với trước đây.

Theo vị lãnh đạo này, trước đây giá đất nông nghiệp trên địa bàn có giá khoảng 40-50 triệu/sào. Khi có thông tin về việc làm đường cao tốc, nhiều người môi giới bất động sản tung ra thông tin về việc mở đường để “thổi” giá.

Hơn nữa, đường giao thông trên địa bàn cũng dần hoàn thiện nên giá đất cũng “thổi” theo đường giao thông. Do vậy, thời điểm diễn ra "sốt" đất, giá đất nông nghiệp (có quy hoạch thành đất ở) trên địa bàn có giá khoảng hơn 100 triệu/sào. Tuy nhiên, đất trên địa bàn cũng không bán được bao nhiêu.

Ông Sáu cho rằng, môi giới “thổi” giá đất với nhau chứ không đầu tư, nhiều trường hợp đặt cọc xong thì bỏ cọc chạy. Hiện tại, khi “bong bóng” đi qua, giá bất động sản trên địa bàn đã yên ắng.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, hiện nay huyện đã sẵn sàng trong công tác phối hợp giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột chạy qua địa bàn. Tuy nhiên, vẫn phải chờ văn bản chỉ đạo chính thức của tỉnh.

Khi PV nêu ra thực tế ghi nhận về việc giá đất tại khu vực xã Hòa Đông, nhiều người rao bán tới 1,1-1,6 tỷ đồng/sào đất nông nghiệp thì bà Trinh khẳng định, cho dù người dân có hô giá đất cao đi nữa nhưng sau này nếu có đền bù, thu hồi đất thì đều có hội đồng thẩm định, đền bù, hỗ trợ theo giá của nhà nước chứ không phải đòi bao nhiêu thì được trả bấy nhiêu.

“Khu vực xã Hòa Đông, trong thời gian qua, giá đất rất cao, chưa nói có cao tốc đi qua. Có những vị trí đẹp đã có giao dịch giá hơn 1 tỷ đồng/sào. Tuy nhiên, không phải cứ giá bán đất cao thì sẽ đền bù cao.

Trong thời gian tới, huyện sẽ có phương án tuyên truyền cho bà con phải hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, tránh tình trạng “thổi” giá đất lên dẫn đến khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sau này”, bà Trinh nói.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đã được Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư. Công trình có tổng chiều dài 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh (đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk).

Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư là 2.300 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, năm 2022 triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Khánh Ngọc