Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Bị khởi tố 2 tội danh, đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng ở Huế đối mặt khung hình phạt nào?

Đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng ở Huế bị khởi tố 2 tội danh

Ngày 6/8, đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Quốc (38 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy, cán bộ trại giam Bình Điền) với 2 hành vi là "cướp tài sản" và "chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với Quốc để phục vụ công tác điều tra.

Bị khởi tố 2 tội danh, đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng ở Huế đối mặt khung hình phạt nào? - Ảnh 1.

Thời điểm gây án, Quốc mang sắc phục công an với quân hàm đại uý. Ảnh người dân cung cấp

Lúc 13h ngày 31/7, Quốc đi xe máy đến khu vực chợ Đông Ba, TP Huế. Cầm theo súng AK xông vào tiệm vàng Hoàng Đức, người này hét lớn: "Ngồi im, không sẽ lấy hết vàng".

Lúc này, tiệm vàng chỉ có một nữ nhân viên trông quầy. Quốc bắn nhiều phát đạn vào các tủ kính rồi lấy vàng chạy ra ngoài đường.

Các nhân chứng cho biết nghi phạm đã ném vàng xuống đường. Sau đó, người này vào tiệm vàng Thái Lợi, cách tiệm vàng Hoàng Đức khoảng 20 m, tiếp tục cầm vàng vứt ra đường. Sau đó, Quốc chạy về hướng cầu Gia Hội và cố thủ ở nhà Lục Giác gần sông Hương.

Video người dân quay lại cho thấy nhiều người đi đường đã lao ra nhặt vàng sau khi Quốc ném ra đường. Chiều hôm đó, được sự khuyên giải của phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, nghi phạm đã hạ súng đầu hàng.

Khung hình phạt của 2 tội danh mà đại úy cầm súng AK cướp tiệm vàng bị khởi tố?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hai tội danh mà Ngô Văn Quốc bị khởi tố được quy định tại các Điều 304 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Lan, căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các loại súng cầm tay như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên… đều là vũ khí quân dụng.

Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Do đó, người nào sử dụng vũ khí quân dụng nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021 thì phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với người nào chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Về trách nhiệm hình sự, Điều 304 Bộ luật hình sư 2015 quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự sẽ bị phạt tù 1-7 năm.

Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng làm chết người thì bị phạt tù 5-12 năm.

Trong khi đó, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của họ hoặc do họ quản lý.

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Đặc biệt, thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm. Hậu quả có lấy được tài sản hay không, giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.

Theo luật sư Lan, tội cướp tài sản có 4 khung hình phạt. Trong đó khung thấp nhất có mức phạt tù từ 3 đến 10 năm còn khung cao nhất có mức phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên…

Như vậy, sau khi khởi tố, người bị chứng minh là có tội cướp tài sản và chiếm đoạt, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng thì tổng hợp hình phạt có thể rất nặng.