Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

Bài học từ những đội bóng đến nhanh và đi nhanh

Khi bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp thì chính TP.HCM là địa phương chuyển hướng, thích nghi chậm nhất dù là nơi có nhiều đội bóng hoạt động.

Đội nhà giải tán, hàng loạt đội các địa phương khác về

Hải quan gãy nhịp sớm sau khi xuống hạng và đơn vị chủ quản không mặn mà khi hằng năm phải gánh nguồn kinh phí quá lớn. Công an TP.HCM trụ được hai mùa chuyên nghiệp rồi cũng nhanh chóng giải thể. Đội Cảng Sài Gòn (CSG) cũng không trụ lâu và được Thép Miền Nam chống lưng để được gắn cái đầu Thép trước trên CSG. Đây là đội bóng được xem là tiền thân của CLB TP.HCM hiện nay, dù quá trình từ CSG đến CLB TP.HCM - đứa con của bóng đá TP.HCM phải trải qua nhiều giai đoạn khổ ải, liên tục đổi chủ và lên xuống hạng liên tục.

Bài học từ những đội bóng đến nhanh và đi nhanh ảnh 1

Từ đội Quân Khu 4 chuyển vùng sang tên Navibank Sài Gòn được vài mùa rồi giải tán vì “thiếu đất” để tồn tại. Ảnh: XUÂN HUY

Cái khó của bóng đá TP.HCM khi bước lên chuyên nghiệp là có được một doanh nghiệp đủ mạnh và đủ yêu bóng đá TP.HCM để giữ cho cái hồn của bóng đá TP.HCM như người hâm mộ từng yêu CSG, Hải quan, Sở Công nghiệp hay Công An TP.HCM ngày nào.

Thay vào đó là những đội bóng ở các địa phương xin chuyển hộ khẩu về đất TP.HCM làm bóng đá như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành và cả Sài Gòn FC trước đây.

Đầu tiên là Navibank Sài Gòn điền tên vào hộ khẩu TP.HCM với xuất phát là đội Quân khu 4, có trụ sở ngoài Nghệ An, được ông bầu Nguyễn Vĩnh Thọ của Navibank đưa về năm 2009. Ba năm sau thì êkíp Navibank quyết định bỏ đội bóng cho anh em nhà bầu Thụy mua lại với mục đích thương mại theo kiểu tìm nhà giàu gả nhưng gả không được trước mùa bóng mới và đội bóng này giải tán.

Tiếp đến là Sài Gòn Xuân Thành, đội bóng có gốc từ đội hạng nhì Hà Tĩnh được Tập đoàn Xuân Thành ở Ninh Bình quản lý nhưng suất đá hạng Nhất lại do bầu Thụy của Tập đoàn Xuân Thành mua lại của đội Hòa Phát V&V và dán tên Sài Gòn Xuân Thành vào thành đội bóng chủ sân Thống Nhất rồi đá lên chuyên nghiệp.

Đến dễ và bỏ bóng đá cũng dễ

Có thời điểm sân Thống Nhất sáng đèn với hai CLB nhưng phần gốc đều từ những ông bầu mở rộng đất làm ăn ở TP.HCM đầu tư đội bóng như một kênh để mở rộng làm ăn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bất động sản.

Đến mùa 2013, khi chỉ còn hai lượt là kết thúc thì bầu Thụy tuyên bố bỏ giải rồi giải tán đội bóng sau khi đội bóng bị Ban kỷ luật trừ điểm vì những vi phạm thi đấu tiêu cực. Cái tên Sài Gòn Xuân Thành trụ ở hộ khẩu TP.HCM chưa trọn ba mùa bóng, trong đó đến mùa thứ ba thì lên tiếng với lãnh đạo TP.HCM với ngụ ý cái tên Sài Gòn gắn vào Tập đoàn Xuân Thành như món quà trao tặng cho người hâm mộ Sài Gòn, cho bóng đá TP.HCM nên cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo TP.HCM như các đội bóng địa phương khác luôn có được kinh phí hỗ trợ từ tỉnh.

Ngoài ra, TP.HCM còn có đội Sài Gòn United đá hạng Nhất với quân là cầu thủ lò VST của Nghệ An, do tuyển thủ Văn Sỹ Hùng làm HLV trưởng, còn ông chủ là một tay kinh doanh bất động sản có máu mặt. Ông chủ đội bóng đã đưa toàn đội về khách sạn ở quận 2 ăn tập và thi đấu. Được vài mùa giải thì đội này bị giải thể do ông chủ không nuôi nổi và không lâu sau thì ông chủ đội bóng trên có lệnh truy nã liên quan đến đất đai và lừa đảo.

Để người hâm mộ TP.HCM yêu đội bóng

Hiện phần gốc thực thụ của bóng đá TP.HCM chỉ còn mỗi đội TP.HCM. Sau khi chuyển từ CSG sang Thép Miền Nam - CSG với hai lần xuống hạng, đổi tên sang CLB TP.HCM rồi lên lại chuyên nghiệp năm 2016 thì đội bóng này được “gả” cho một doanh nghiệp có địa bàn tại TP.HCM. Cái hồn của CSG như trước đây đã không còn khi từ lối chơi, cách quản lý, xây dựng con người và bản sắc như CSG có truyền thống từ hồi còn cái tên Thương Cảng đã không còn. Rõ nhất là Hội Cổ động viên CSG cổ vũ tự nguyện vì tình yêu bóng đá, yêu đội bóng của TP đã tan rã. Thay vào đó, nhiều CLB chuyên nghiệp đến với bóng đá TP.HCM vẫn phải “thuê” cổ động viên đánh trống, thổi kèn, phất cờ với vé trao tay, nước, bánh mì phát tận nơi kèm thêm chi phí cổ vũ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hữu Nghĩa từng là cổ động viên trung thành của CSG, nay là chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam (VFS), nói: “Người hâm mộ TP.HCM mong muốn có một chút gì đó của bóng đá TP.HCM nhưng nếu chỉ vì cái tên thì chắc chắn họ sẽ cân nhắc. Hồi đó, người ta yêu mến CSG vì lối đá, vì bản sắc của đội bóng đặc trưng cho người Sài Gòn, kể cả khi họ đá thua hay xuống hạng. Nay thì người hâm mộ kén chọn ít đến sân không phải vì họ chán bóng đá, mà vì ít còn thấy những gì của bóng đá TP.HCM. Có lẽ những người làm bóng đá TP.HCM cũng nên tự hỏi vì sao khi HA Gia Lai đến sân Thống Nhất thì lúc nào người hâm mộ cũng đến sân đông dù họ không phải là fan HA Gia Lai. Để yêu một lối đá, yêu bản sắc và yêu cái đẹp thì không phải cứ tiền nhiều mua nhiều cầu thủ giỏi là có…”.•

Có đất, có sân mới làm được bóng đá chuyên nghiệp?

Bài học từ những đội bóng đến nhanh và đi nhanh ảnh 2

Hội Cổ động viên Cảng Sài Gòn tan rã dần khi đội bóng từ gốc đội bóng họ yêu thích cứ đổi tên, đổi chủ và mất bản sắc. Ảnh: XUÂN HUY

Thái Lan có bước làm bóng đá chuyên nghiệp tốt nhất Đông Nam Á nhưng Thai-League hiện có rất nhiều CLB phải thuê sân chứ không có sân riêng.

Sân Thammasat được xây dựng phục vụ cho Asiad 98 ở ngoại ô Bangkok, hiện được ba CLB thuê làm sân nhà gồm Lamphum FC, Bangkok Utd và Pathum Utd...

Trong 16 đội ngoại hạng Thái Lan thì có đến 10 CLB đóng ở Bangkok và đa số đều thuê sân làm sân nhà.

Trong khi đó, TP.HCM hiện có hai đội là Sài Gòn và TP.HCM có chung sân Thống Nhất (thuê của Trung tâm TDTT Thống Nhất) làm sân nhà. Sân tập thì có các sân Lyon (hai sân trong khuôn viên khu TDTT Phú Thọ), sân Quân khu 7, Trung tâm TDTT Công an TP.HCM, Hoa Lư...

“Thói quen” chung của nhiều CLB chọn TP.HCM làm “bản doanh” là xin đất, xin cơ chế và cả xin kinh phí như CLB Sài Gòn Xuân Thành lúc sắp giải tán. Đấy cũng là “thói quen” chung của nhiều CLB ở các địa phương được ưu ái quỹ đất và từ đất có được nguồn thu lớn để có “trách nhiệm” nuôi lại đội bóng. Hồi đội bóng Thép Miền Nam - CSG lãnh đạo đội bóng này cũng từng xin TP.HCM cho phép “có” sân tập riêng và được sử dụng đất ở khu Tân Thuận (quận 7) làm sân, làm khu nhà ở…

Chính các HLV, cầu thủ Thái Lan khi sang chơi ở V-League hoặc giao lưu đã chia sẻ rằng các CLB của Thái Lan rất ít đội có sân riêng nhưng tính hiệu quả của kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp là rất cao và có thể sống nhờ bóng đá nuôi bóng đá. Ngược lại, các CLB ở Việt Nam nói chung đa phần sống bằng nguồn của các doanh nghiệp và địa phương rót cho từ phần lãi kinh doanh ngoài bóng đá, trong đó không ít là bất động sản.

LĐBĐ Thái Lan thì đưa ra phương châm thiết thực cho các CLB là việc quản trị và con người là yếu tố cốt lõi cho bóng đá chuyên nghiệp thành công.