Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

8 cách giúp giảm triệu chứng thở khò khè

Dùng liệu pháp oxy, thở bằng đôi môi mím, trị liệu mùi hương… là một trong các cách thông dụng hỗ trợ giảm chứng thở khò khè cho bệnh nhân.

Khi đường thở bị viêm, các tiểu phế quản bị hẹp do hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp và suy tim, bệnh nhân thường gặp phải chứng thở khò khè gây khó chịu. Tùy tình trạng bệnh lý, người bệnh thường phải đối mặt với triệu chứng mạn tính hay cấp tính. Một số cách tự khắc phục sau đây có thể giúp dễ chịu hơn cho hệ hô hấp, theo Very Well Health.

Uống đồ uống nóng

Người bệnh có thể nhâm nhi thức uống ấm để giảm bớt cơn thở khò khè, dịu cảm giác nghẽn vùng ngực, dễ đẩy đờm ra khỏi cổ họng giúp thông họng. Các đánh giá y khoa trên thư viện Y khoa trực tuyến Wiley cho thấy, thức uống ấm có chứa caffeine như cà phê hoặc trà, cũng hỗ trợ giãn phế quản nhẹ giúp thư giãn, mở rộng đường thở khỏi cơn co thắt. Thức uống ấm có lượng caffeine vừa đủ cũng có thể hỗ trợ bệnh nhân hen suyễn trong vòng 4 giờ.

Liệu pháp hương thơm

Xông hơi các loại tinh dầu trị liệu được các nguồn nghiên cứu trên Wiley cho thấy có lợi cho bệnh nhân hô hấp, hỗ trợ giảm thở khò khè, các triệu chứng hô hấp cấp tính khác. Một số tinh dầu trị liệu được dùng phổ biến như dầu hoa hồi, dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà, dầu cây trà, dầu cỏ xạ hương. Một nghiên cứu trên tạp chí Hen suyễn và Dị ứng (Mỹ) cho thấy, dầu khuynh diệp, các loại dầu có chứa chất pinene có thể gây tăng viêm đường thở, tăng nghẹt mũi ở một số người. Bạn nên tham khảo với bác sĩ nếu chưa chắc chắn về mùi hương phù hợp với thể trạng.

Hoa hồi được chiết xuất tinh dầu trị liệu cho hệ hô hấp, hỗ trợ giảm thở khò khè. Ảnh: Freepik

Hoa hồi được chiết xuất tinh dầu trị liệu cho hệ hô hấp, hỗ trợ giảm thở khò khè. Ảnh: Freepik

Các liệu pháp cơ học

Một số liệu pháp hỗ trợ đường thở cơ học sau cũng có thể được bác sĩ chỉ định, hỗ trợ bệnh nhân bị thở khò khè do các chứng hô hấp mạn tính, xơ nang, giãn phế quản nhằm giảm bớt triệu chứng khò khè.

Liệu pháp oxy: thực hiện ngắn hạn hoặc đều đặn, hỗ trợ cho bệnh nhân bị khó thở gây thiếu oxy trong máu.

Thông đường thở: chuyên gia y tế hỗ trợ giúp làm sạch chất nhầy tích tụ trong phổi bằng các thiết bị y tế hô hấp phù hợp cho bệnh nhân.

Luyện tập cải thiện chức năng phổi: bác sĩ chuyên khoa hô hấp sẽ theo dõi thể trạng bệnh nhân, đưa ra lộ trình cải thiện chức năng phổi qua: các bài tập thể dục trị liệu, chế độ dinh dưỡng, luyện thở, các liệu pháp cải thiện sức khỏe tinh thần.

Phẫu thuật: đây là phương pháp ít được áp dụng trong điều trị chứng thở khò khè, khi các bác sĩ xem xét và không còn chọn lựa điều trị nào khác.

Thực hành thở

Thở bằng bụng và thở bằng môi là hai bài tập thở dễ thực hiện được khuyến nghị, có thể mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị thở khò khè do hen suyễn và COPD.

Thở bằng bụng: hay còn gọi là phương pháp thở bằng cơ hoành, giúp mở rộng dạ dày khi hít sâu, hóp bụng vào khi thở đẩy không khí ra. Phương pháp được các chuyên gia cho biết, có thể hỗ trợ sức khỏe của phổi hiệu quả.

Thở bằng môi: để áp dụng kỹ thuật thở này, người tập mím môi rồi hít thở. Bạn hít vào bằng đường miệng, thở nhịp nhàng khí qua đôi môi mím. Thực hiện thở sẽ giúp mở đường thở lâu hơn nhờ tốc độ hít thở chậm lại, giảm cơn thở gấp hoặc cơn thở khò khè.

Thở bằng bụng hỗ trợ bệnh nhân giảm triệu chứng thở khò khè. Ảnh: Freepik

Thở bằng bụng hỗ trợ bệnh nhân giảm triệu chứng thở khò khè. Ảnh: Freepik

Tránh và loại bỏ các tác nhân gây hen suyễn

Thở khò khè do hen suyễn, dị ứng và COPD thường do các yếu tố môi trường, hóa chất hoặc các yếu tố sinh lý gây ra co thắt phế quản. Người bệnh nên lưu ý, tránh tiếp xúc với các tác nhân như: không khí lạnh gây khô hanh, mạt bụi, gián, tập thể dục, đồ ăn thức uống, nước hoa, phấn hoa, khói bụi, căng thẳng...

Lưu nhật ký triệu chứng: thời gian đầu, người bệnh có thể lưu lại chi tiết các chất, môi trường từng tiếp xúc khi hít thở, ăn uống; các vấn đề hô hấp từng gặp phải, chia sẻ với bác sĩ khoa hô hấp, dị ứng. Bác sĩ sẽ giúp xác định các tác nhân gây ra và có giải pháp điều trị phù hợp.

Chọn máy tạo độ ẩm và bộ lọc không khí thích hợp: một số máy tạo độ ẩm được trang bị bộ lọc HEPA, bộ lọc bằng than hoạt tính có thể loại bỏ cả phấn hoa, bụi mịn, các chất gây kích ứng khác khỏi không khí. Bạn có thể tìm chọn một máy lọc không khí có công suất phù hợp với diện tích nơi sinh hoạt, sẽ cho hiệu quả lọc cao nhất. Tình trạng thở khò khè có thể trở nặng hơn khi độ ẩm của không gian bệnh nhân sinh hoạt quá thấp. Lúc này, các phân tử trong không khí thường gây co thắt các tiểu phế quản. Người bệnh nên lưu ý trang bị máy tạo ẩm bổ sung cho không gian sinh hoạt khô hanh hay vào mùa đông.

Cai thuốc lá: hút thuốc làm trầm trọng thêm các triệu chứng hô hấp cấp tính. Người bệnh thường gặp phải chứng thở khò khè nên cố gắng cai thuốc lá, hạn chế nguồn khói thuốc lá thụ động. Bệnh nhân bị thở khò khè mạn tính hoặc tái phát có thể lắng nghe tư vấn từ bác sĩ về các liệu pháp hỗ trợ cai hút thuốc sớm.

Xông hơi tạo ẩm đường thở

Xông hơi cho mũi để tăng độ ẩm sẽ giúp dễ thở hơn. Theo một báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Y học quốc tế BMJ, tình trạng nhiễm trùng có thể trở nặng nếu bệnh nhân tự ý dùng liệu pháp xông hơi thay cho việc uống thuốc. Tuy giải pháp được nhiều nghiên cứu cho thấy mang đến kết quả kiểm soát hiệu quả bệnh lý nhưng người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước nếu không chắc chắn về tình trạng bệnh lý của mình.

Dùng thuốc không kê toa

Các thuốc không kê đơn dùng trong điều trị các triệu chứng của bệnh hô hấp cũng hỗ trợ dịu cơn thở khò khè. Nhóm thuốc này gồm thuốc giãn phế quản trong điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamine để điều trị các chứng hô hấp nhẹ do dị ứng, thuốc kháng viêm hỗ trợ giảm bớt các triệu chứng viêm phế quản. Tuy đây là các thuốc không kê toa an toàn, người bệnh chỉ nên sử dụng sau khi được bác sĩ chuyên khoa phổi chẩn đoán bệnh lý, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Dùng thuốc kê toa

Triệu chứng thở khò khè liên quan đến bệnh hen suyễn và COPD cũng thường được điều trị bằng thuốc giãn phế quản dạng hít hoặc dạng viên. Bác sĩ cũng có thể kê một số thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng phế quản, làm giảm triệu chứng. Hai loại thuốc giãn phế quản thường được kê toa, gồm loại có tác dụng tạm thời, loại có tác dụng kéo dài (dạng hít hoặc uống) theo tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.

Mai Trinh (Theo Very Well Health)