Vietnam
This article was added by the user . TheWorldNews is not responsible for the content of the platform.

600 khách phải chờ đến nửa đêm vì thiếu người dọn phòng

2 năm qua, một lượng lớn nhân viên ngành du lịch đã nghỉ làm, đi tìm công việc khác. Việc cần thiết bây giờ là đào tạo gấp và tìm nguồn nhân lực mới thay thế.

"Khát" nhân sự ngành du lịch 

Khoảng 70/200 nhân sự tại một khách sạn lớn ở TP.HCM đã nghỉ việc sau dịch Covid-19. Trong số người nghỉ việc, có cả những nhân sự chủ chốt đi tìm bến đỗ mới. Họ không thể chờ được đến thời điểm ngành du lịch Việt hồi phục. Chưa dừng lại, khách sạn trên là một đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, mức lương không thể cạnh tranh với các khách sạn liên danh nước ngoài. Một số nhân sự sau khi nhảy việc đã về đầu quân cho khách sạn đối thủ với mức lương cao hơn rất nhiều.

Không chỉ có câu chuyện của khách sạn trên, thực trạng thiếu nhân sự ngành du lịch được nhiều DN đề cập tại Hội nghị “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” diễn ra sáng 8/8.

Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch và sự kiện Viettours - bà Cao Thị Tuyết Lan nêu dẫn chứng, Viettours từng tổ chức đoàn 600 khách MICE (đi du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) tại một khách đẳng cấp 5 sao ở TP.HCM nhưng khi đến nơi thì phải đợi đến 23h đêm mới được nhận phòng. Khách sạn cho biết là có phòng nhưng nghịch lý là không có người dọn.

Nhân sự thiếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch (ảnh minh họa: Nam Khánh)

Tình trạng “khát” nhân sự ngành du lịch không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Một đoàn gồm 300 khách đi Mỹ của Viettours cũng phải chờ tới sau 19h tối mới có thể nhận được phòng tại nước bạn. Rõ ràng, 2 năm qua, những người giỏi, người tài đã tìm công việc khác. Việc cần thiết bây giờ là đào tạo gấp và tìm nguồn nhân lực mới cho ngành du lịch. 

Một vấn đề khác đang gây khó khăn được bà Lan đề cập là chính sách visa nhập cảnh cho du khách vào Việt Nam. Ví dụ, muốn có visa mời khách ngoại quốc sang họp, dự hội thảo mà 6h sáng lên đăng ký tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh lấy số, lấy được số rồi thì phải chờ sang thứ 5 tuần tiếp theo mới đến hạn lên nộp hồ sơ. “Đấy là mời khách đến họp chứ đi du lịch thì chưa thực sự mở, muốn mở thì cần thực hiện ngoại giao song phương. Chúng ta mở cửa cho nước bạn thì nước bạn sẽ mở cửa lại cho mình”, bà Lan nói.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện còn rất hạn chế. 7 tháng đầu năm, cả nước mới chỉ đón khoảng 733.000 lượt khách, đạt gần 15% so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Trong khi, chỉ tính riêng năm 2019, cả nước đón tới 18 triệu khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho hay, lượng khách nội địa tăng trong cao điểm du lịch hè vừa qua nhưng khi hết tháng 8 thì cần có hành động khẩn trương để đón luồng khách quốc tế. Tại Đà Nẵng, giờ này mọi năm, trung bình mỗi ngày có 10 chuyến bay đến từ Hàn Quốc nhưng do sự lo lắng về dịch, mỗi ngày hiện chỉ có được 2 chuyến bay. Theo ông, trong ngắn hạn trước mắt, cần có sự trao đổi giữa cơ quan ngoại giao để mở cửa song phương với một số thị trường du lịch lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. 

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng đang rất cần tiếng nói của Bộ VH-TT&DL để tháo gỡ điểm nghẽn trong xây dựng sản phẩm du lịch tại địa phương. Bán đảo Sơn Trà cực đẹp nhưng bao nhiêu năm nay không có được sản phẩm du lịch đặc sắc. Nguyên nhân do vướng mắc bởi các quyết định thanh tra của Chính phủ, vướng mắc liên quan cơ sở quốc phòng trên địa bàn. Cộng đồng DN du lịch TP. Đà Nẵng đã đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa thể khai thông được sản phẩm du lịch từ biển ra vịnh.

Chẳng ai chấp nhận được nạn “chặt chém” 

Trao đổi với những ý kiến của DN tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH&TT-DL - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch nội địa bùng nổ thời gian qua nhưng chất lượng chưa bền vững. Nếu không làm tốt thì khó có thêm lượng khách nội địa. Điểm nghẽn ở đây là chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa xứng với mong muốn của du khách. Với dịch vụ du lịch có biểu hiện lộn xộn như hiện nay thì không thể bền vững được. Không một du khách nào chấp nhận được chuyện “chặt chém”, dịch vụ tạm bợ. 

Bộ trưởng Hùng cho rằng, cần tư duy du lịch nội địa là bệ đỡ cho ngành du lịch, ngoài ra, không phải đếm lượng khách mà cần tính toán tổng nhu cầu chi tiêu của khách.

Trước đây, một khách quốc tế thường tiêu 1.500 USD ở thị trường Thái Lan còn ở Việt Nam chỉ tiêu dưới 1.000 USD. Hiện, du khách nội địa đã chi tiêu vượt số tiền nói trên. Cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN phải chú ý nhiều hơn tới con số này để hiểu mức độ đóng góp doanh thu, vai trò của du lịch nội địa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, biểu hiện lộn xộn, "chặt chém" thời gian qua là không thể chấp nhận (ảnh: Chí Hùng)

Nhiều DN kỳ vọng vào lượng khách quốc tế nhưng chưa hẳn nhiều khách quốc tế sẽ mang lại doanh thu cao mà đón khách quốc tế còn phụ thuộc từng thị trường, chính sách mở cửa của các quốc gia. Vấn đề rất quan trọng khi mở cửa là phải có nguồn nhân lực, chất lượng du lịch đủ tốt, nếu không bạn bè quốc tế sẽ chỉ đến một lần rồi đi. DN nên chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo du lịch. Xác định rõ lượng nhân viên thiếu ở các bộ phận là bao nhiêu để đào tạo ngắn hạn, có nguồn nhân lực tương ứng làm ngay. 

Đối với việc làm mới các sản phẩm du lịch để giữ chân du khách, cần có trách nhiệm của cả phía địa phương và DN. Các công ty du lịch không thể chỉ chờ đợi mà cần sự hợp tác thực tiễn với các địa phương. Đơn cử, nếu không SunGroup hay VinGroup thì không thể có các địa điểm du lịch nổi tiếng ở một số địa phương, từ đó kéo theo các sản phẩm du lịch đi kèm, thu hút khách.

“Cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp để phát triển, liên kết phải đi vào thực chất chứ không phải ký kết xong ai về nhà nấy. Lúc này, cần làm nhiều nói ít, nói đi đôi với làm để thúc đẩy du lịch", vị tư lệnh ngành nói.

Ngân hàng siết nợ nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạnDịch Covid-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến ngành vận tải du lịch, nhà hàng, khách sạn gần như đóng băng vì không có khách. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp trót vay ngân hàng rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ.